Bổ nhiệm thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Ngày 10-12/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Thư viện; bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...

 

 

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Trong quá trình thảo luận đã có 24  đại biểu phát biểu ý kiến 02 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật này sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau:

Đối với  việc  sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào các vấn đề, như: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; Quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ vànhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng;…

 

Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung cụ thể, như: Việc giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân và tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II;  Vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; Nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp; Phiên họp của Hội đồng nhân dân và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; Bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; Thẩm quyền quy định tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo; Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ diện tích tự nhiên và quy mô dân số; Việc thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân;…

Ngày 11/6,  Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.

Ngày 12/6, Buổi sáng, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quan điểm xây dựng luật nhằm: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.

Thảo luận toàn thể tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận