Quốc hội chất vấn 4 lĩnh vực 'nóng'

4 nhóm vấn đề "nóng" được Quốc hội chọn để chất vấn gồm: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông - vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch.

 

Xử lý hơn 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen

Sáng 4/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV bước vào hoạt động chất vấn với thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn là Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm.

Dự án 8B Lê Trực là một trong những vấn đề nóng mà các đại biểu quốc hội quan tâm chất vấn.   Ảnh: Trube.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua chúng ta giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự còn nhiều diễn biến phức tạp, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc dư luận. Tội phạm ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ vận chuyển lớn đã bị bắt giữ, cho thấy tội phạm bắt đầu lợi dụng địa bàn Việt Nam để vận chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Trong khi đó, số người nghiện ma túy cũng còn lớn, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện còn nhiều bất cập.

Năm 2018, Bộ Công an đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn (chiếm 70%) vào nước ta qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài không chỉ hoạt động ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề xã hội đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, xã hội đen dùng mọi thủ đoạn để hoạt động phạm tội. Lực lượng công an đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, nhiều cơ sở dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nhưng tình hình vẫn phức tạp.

Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ năm 2018 và quý 1/2019 Bộ Công an đã khởi tố 499 vụ án hình sự, 876 bị can, xử lý hành chính 187 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. "Những thách thức hiện nay là tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến trong nước. Đây là loại tội phạm xuyên biên giới, không có giới hạn phạm vi, có tính nặc danh cao nên rất khó phát hiện và đấu tranh", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Tội phạm mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em có nhiều hình thức mới như mua bán bào thai qua biên giới, việc xử lý gặp khó khăn vướng mắc”.

 

Quy hoạch vẫn chưa theo kịp sự phát triển

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nêu câu hỏi:“Nhiều năm qua tình trạng phát triển tràn lan các khu đô thị không có người ở, khu đô thị không bảo đảm chất lượng xây dựng, không đúng quy hoạch, không an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có nhà trẻ, trường học, phòng khám, siêu thị; nhà siêu mỏng, siêu méo trên những con đường mới mở làm mất an toàn mỹ quan đô thị không được khắc phục. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành xây dựng trong vấn đề này như thế nào?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện chúng ta có 828 đô thị, tốc độ đô thị hóa của chúng ta đã đạt 38,5%, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó lĩnh vực phát triển đô thị còn nhiều hạn chế tồn tại. Nguyên nhân do chất lượng quy hoạch thấp. Chất lượng đồ án quy hoạch còn thiếu một số điều kiện cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch còn thấp là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta, hệ thống định mức đơn giá về kinh tế kỹ thuật cũng có những lạc hậu cho nên những tính toán về quy hoạch cũng có những sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch chúng ta còn hạn chế, đó là chậm, hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài…

Đối với việc xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, hai vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội. Đối với dự án 8B Lê Trực thì thành phố Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Hiện đang có vấn đề khi phá dỡ, có tầng thì cắt một số diện tích sẽ ảnh hưởng đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với thành phố Hà Nội để đưa ra phương án xử lý phá dỡ chính xác, tốt hơn. Về chung cư HH Linh Đàm, vi phạm đã có thì trách nhiệm xử lý là của Hà Nội.

Đối với việc di dời cơ sở ra khỏi nội đô, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) nêu câu hỏi: "Việc di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan trong khu vực nội thành Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ di dời chậm, quỹ đất sau khi di dời được bàn giao cho thành phố Hà Nội để quản lý theo quy hoạch. Đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành"?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà sau khi dẫn ra các quy định tại Luật Thủ đô và Quyết định số 130 ngày 23/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cho rằng, việc thực hiện di dời còn chậm có trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành. Đồng thời Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm trong việc tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, các quy định pháp luật có những lúc chưa kịp thời. Việc đánh giá, theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trên thực tiễn ở các địa phương cũng còn chưa được nghiêm túc, cũng còn có nội dung thực tiễn đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện để cập nhật, bổ sung các quy định. "Chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp và quản lý với các địa phương, tăng cường trách nhiệm trong việc hướng dẫn, đôn đốc các địa phương. Chúng tôi cũng chịu trách nhiệm trong việc chậm thực hiện hoặc một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả theo nhiệm vụ quy định pháp luật giao cho Bộ Xây dựng. Ví dụ, thẩm định một số dự án, như xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá v.v... Trong đội ngũ cán bộ của chúng tôi cũng còn có một bộ phận chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận lỗi.

Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc di dời chậm là trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành và đề nghị Bộ trưởng sau phiên chất vấn này phải ngồi lại với các bộ, địa phương xử lý dứt điểm các sai phạm tại công trình 8B Lê Trực  và chung cư HH Linh Đàm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà:Trong một số quy hoạch chúng ta đã dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó dẫn đến những tính toán sai về cấu trúc, không gian tổ chức đô thị cũng như chỉ tiêu về hạ tầng và các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn tới những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch”.

 

Để công trình đội vốn, chậm tiến độ sẽ bị xử lý

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là vị tư lệnh ngành thứ 3 đăng đàn phiên chất vấn tại kỳ họp 7 của Quốc hội với nhiệm vụ giải trình về tình trạng công trình giao thông trọng điểm đội vốn, dự án chậm tiến độ và vấn đề kiểm toán BOT…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An hỏi, hiện nay các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề để chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém, vậy trách nhiệm cá nhân có quy đến cùng không hay chỉ là tập thể? Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã giao cho thanh tra của Bộ để thanh tra tất cả những dự án mà báo chí và người dân phản ánh chất lượng. Cùng với thanh tra các bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý. Với những công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời thì Bộ kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn những dự án thuộc trách nhiệm chủ quan của các đơn vị liên quan như chủ đầu tư thì Bộ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả là chuyển hồ sơ qua công an để xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Đa số dự án đội vốn được phê duyệt trước năm 2008. Năm 2008 -2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá đến gần 20% và chúng tôi thống kê từ năm 2009 - 2013 trượt giá khoảng 49%, tức là có yếu tố trượt giá, có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố thay đổi quy mô của chủ đầu tư nên một số dự án có đội vốn. Tuy nhiên, chúng tôi cùng cơ quan chức năng, cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra tất cả các dự án đội vốn. Những cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm của Bộ, chúng tôi đã điều chuyển một số giám đốc Ban quản lý dự án và kiểm điểm cuối năm khi xếp loại cán bộ”.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi: "Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT là chủ đầu tư và phê duyệt từ năm 2009 và dự án vốn ban đầu là 8.769 tỷ, năm 2016 tăng lên 18 nghìn tỷ đồng và đến nay dự án vẫn chưa hoạt động.  Lý do gì dự án đã hoàn thành 99% phần mà vẫn chưa đưa vào vận hành? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đội vốn kéo dài dự án?".

Trả lời chất vấn về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT nói, dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định. Quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm vì thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là hai việc khác nhau. "Sắp tới các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu những đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với Bộ GTVT chúng tôi đang chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt cố gắng cùng với các đơn vị có liên quan sớm vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành. Dự án này được phê duyệt năm 2009 và 2010, 2011, 2012 nên trượt giá khoảng 49%.

Chưa có thông tin về quan chức góp tiền xây chùa

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) đặt câu hỏi, việc thương mại hoá du lịch tâm linh, tạm gọi là các công trình "chùa BOT" liệu có cán bộ công chức đóng cổ phần hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định pháp luật. Bộ VH-TT&DL quản lý văn hoá, tâm linh, còn quản lý tôn giáo là trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Riêng khía cạnh quản lý văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chưa có thông tin về việc quan chức góp tiền xây dựng chùa nên đề nghị đại biểu nếu có thông tin chính xác thì cung cấp.

Cùng vấn đề tâm linh, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi: "Hiện nay, dự án tâm linh được đầu tư rất lớn, tầm cơ quốc gia và thế giới. Xin Bộ trưởng cho biết tổng thu chi nguồn công đức, phục vụ những mục đích gì?". Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp quy quy định tiền công đức thu thế nào và quản lý ra sao. Chỉ có một văn bản của Bộ VH-TT&DL và Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức, nhưng chỉ nói là "tiền công đức sử dụng đúng mục đích công khai". Chính phủ ban hành Nghị định 110 quản lý và tổ chức lễ hội, có giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn và triển khai. Quyết định 2245 quy định thùng công đức ở cơ sở di tích, cũng không phải là văn bản mang tính pháp quy mà chỉ hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở có tối đa 3 thùng chứ không được quá nhiều gây phản cảm. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân(đoàn Đắc Lắc) về tình trạng tour du lịch 0 đồng gây thất thu thuế trong khi chúng ta phải gánh chịu những chi phí bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, đây là vấn đề mà ngành du lịch và toàn xã hội cần có nhiều giải pháp xử lý. Cụ thể là cần làm việc với các nước có tour này để ngăn chặn; tuyên truyền cho khách du lịch biết được những tiêu cực của tour 0 đồng; tăng cường thanh kiểm tra giám sát công ty, hướng dẫn viên thực hiện tour này; xử lý tận gốc như phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng chính quyền địa phương để xử lý.

 Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện:"Bộ VH-TT&DL sẽ đề xuất đặt thùng công đức thế nào để đảm bảo văn minh, văn hoá".

  

 

Bình luận

    Chưa có bình luận