Chính phủ đã có nhiều nỗ lực
Trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong giai đoạn qua và khẳng định việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các khu đô thị.
Các đại biểu đều đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý đất đai đã đi vào nề nếp, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện tốt. Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách, cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển thị trường bất động sản; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về đất đai; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP.HCM cho rằng, không thể phủ nhận những nỗ lực của Nhà nước trong việc quản lý sử dụng đất đai bằng pháp luật, hình thành khung pháp lý và thể chế hành chính trong quản lý, sử dụng, chiếm hữu, chuyển nhượng đất đai nói chung và đất đai đô thị nói riêng. Nhiều đô thị với những công trình hiện đại phục vụ cho quốc kế, dân sinh ra đời, đóng góp không nhỏ cho ngân sách quốc gia và cho nhu cầu cuộc sống của người dân.
Chỉ là phần nổi của tảng băng
Bên cạnh những mặt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị. Trong đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị. Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa…
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2014 - 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, khiếu nại về đất đai chiếm trên 60%.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương đặt câu hỏi, những sai phạm này có phải cố tình gạt đi lợi ích được các nhà lập pháp khóa XIII trân trọng trao cho nhân dân thủ đô và các cấp quản lý, những gì họ đấu tranh để có được từng nút bấm thì giờ đây thành quả đã đi đâu, phục vụ cho ai? Người dân thủ đô lẽ ra phải được hưởng lợi từ việc trả lại không gian công cộng sau khi các đơn vị di dời. Nhưng ngược lại các tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề lại đua nhau mọc lên phá vỡ quy hoạch, gây ra hệ lụy về môi trường, hạ tầng kỹ thuật và giao thông quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân.Các đại biểu đánh giá, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng vẫn chưa thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn. Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn. Không ít trong số đó từng xuất hiện trên báo chí gây nhiều bức xúc trong dư luận, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này. Theo quy định, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Nhưng thực tế, hầu hết lại bị sử dụng để xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng, điển hình là trường Y tế công cộng số 138B Giảng Võ sau khi di dời lại được thay bằng tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp.
Các đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh nội bộ, các dự án không tuân thủ giấy phép quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện xử lí dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.