Giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án trọng điểm
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Cụ thể, tại Dự án Luật Đầu tư công lần này có đề xuất phương án điều chỉnh mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ đồng lên 20 nghìn tỷ đồng và thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công trung hạn nên giao cho Chính phủ. Tuy nhiên, theo các đại biểu, tiêu chí phân loại dự án luật trọng điểm quốc gia nên giữ nguyên dự án từ 10 nghìn tỷ đồng. Bởi nâng lên 20 nghìn tỷ đồng là không cần thiết và chưa phù hợp với tình hình giai đoạn hiện nay. Luật Đầu tư công hiện hành đã có quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án luật đầu tư công trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc điều chỉnh lớn về phân cấp. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với tổng mức 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai luật hiện hành. Số dự án trình Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là không nhiều trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong khi đó, con số 10.000 tỷ đồng đã là những dự án rất lớn cần phải được Quốc hội thông qua để bảo đảm cho việc theo dõi giám sát tiến độ thực hiện các dự án này, khắc phục dần những bất cập, hạn chế trong thời gian qua trong việc thực hiện dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP Hồ Chí Minh khẳng định, Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ. Vì đã đụng tới tài sản công, ngân sách nhà nước thì vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu đô cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ. Nhất là trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách như hiện nay.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Phú Thọ nêu quan điểm, đề nghị giữ nguyên theo quy định luật hiện hành, mức vốn dự án quan trọng quốc gia ở mức 10 nghìn tỷ là không bất cập vì cả hai khóa Quốc hội XIII và XIV chỉ có hai dự án trình. “Một quốc gia đang phát triển mà trong 10 năm chỉ có hai dự án quan trọng trình. Bây giờ điều chỉnh lên 20 nghìn tỷ có thể sẽ không có dự án nào trình Quốc hội nữa”.
Quốc hội cần quyết định danh mục đầu tư công
Đối với thẩm quyền xem xét quyết định danh mục dự án đầu tư công, các đại biểu đều nêu quan điểm vẫn giữ nguyên là Quốc hội cần quyết định đầu tư công và kèm theo danh mục. Bởi nếu Quốc hội giám sát đầu tư công sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phân khúc, cào bằng, lãng phí, kém hiệu quả hạn chế trong lợi ích nhóm và tình trạng xin cho.
Nhiều đại biểu phân tích, trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng chi ngân sách nhà nước là 8.025.000 tỷ. Riêng đầu tư phát triển chiếm 2.000.000 tỷ chiếm 25%. Việc quyết định danh mục cũng đồng nghĩa với việc quyết định phân bổ 2.000.000 tỷ. Trong tương lai, con số này có thể lớn hơn. Đây là tiền thuế của nhân dân là một khoản vốn rất lớn. Với vị trí là người đại diện cho nhân dân, Quốc hội không thể không thể không xem xét nội dung này. Xét về bản chất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục kèm theo chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn, dự toán chi đầu tư phát triển. Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công trung hạn đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, ngược về quy trình, ngược về thẩm quyền, dẫn đến một nghịch lý đó là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, TP Hà Nội cho rằng, việc quyết định danh mục thể hiện quyền của đại biểu Quốc hội, đó cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân. Quốc hội sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu như không biết rằng nguồn tiền rất lớn đó được phân bổ cho mục tiêu nào, cho dự án cụ thể nào. Chính vì vậy, việc trình danh mục là căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định tổng mức đầu tư. “Nói về nguyên nhân việc giải ngân chậm, một số dự án chậm tiến độ. Qua giám sát thực tế và qua Báo cáo của Chính phủ tôi nhận thấy nguyên nhân chính là do tổ chức thực hiện, do triển khai giải phóng mặt bằng chậm, do năng lực nhà thầu còn hạn chế”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.Công khai, minh bạch là yêu cầu căn bản, cũng là nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin, cho; giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình Quốc hội chính là bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố; và các đại biểu Quốc hội ngồi đây có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình. Nếu Quốc hội không quyết định danh mục thì đó sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho các dự án, về cơ bản được thực hiện bởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này thể hiện bằng các Nghị quyết 881, 726, 736, 26, 71 và bây giờ chúng ta cũng không nên tạo ra một tiền lệ khác.