Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn thua lỗ kéo dài. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc cố phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã không được thực hiện như mục tiêu đặt ra của Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang bị lỗ nặng, nợ nần hàng chục nghìn tỷ đồng khó đòi. Đây là thông tin được Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 vừa trình Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ. Mặc dù vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ thực hiện được 1/3 kế hoạch đề ra.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đã có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện tiến trình cổ phần hóa, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào: “Trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có nhiều vấn đề. Một là thông tin có minh bạch đối với nhà đầu tư hay không; Thứ hai, có đáp ứng được kỳ vọng của họ hay không? Ví dụ một dự án anh đưa ra phương án chỉ bán 30% thôi, nhưng nhà đầu tư lại muốn mua 51%, vậy là hai bên không gặp nhau. Như vậy là Chính phủ phải đánh giá lại là tại sao lại chậm, từ đó mới đưa ra được giải pháp”, ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), việc Chính phủ đặt ra tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp là để phấn đấu, nhưng không làm bằng mọi giá để đạt được chỉ tiêu đó. Trên thực tế, sau cổ phần hoá, phần lớn doanh nghiệp chưa thay đổi về chất bởi tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước vẫn quá lớn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động như hiện nay, việc nắm bắt tín hiệu của thị trường để có chính sách phù hợp và linh hoạt là rất quan trọng để thực hiện công tác này.
“Chúng ta không giải quyết được vấn đề quản trị phần vốn của Nhà nước và phần vốn của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư họ đóng góp vào. Có thời điểm chúng ta quan niệm 100% vốn Nhà nước thì mới là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó lại thay đổi rằng doanh nghiệp Nhà nước là vốn của Nhà nước trên 50%. Vậy thì nhà đầu tư tư nhân có 49% họ có đồng ý cho Nhà nước sử dụng vốn của họ để phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo hay vì mục đích chính trị hay không”, ông Nguyễn Đức Kiên cho hay.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nêu ý kiến: Việc Chính phủ đặt ra kế hoạch để thực hiện là rất rõ ràng, nhưng chưa ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đây là vấn đề cần được quy định cụ thể hơn trong thời gian tới. “Vấn đề nhiều người quan tâm là đang có lợi ích co kéo dẫn đến không mạnh dạn. Phải làm rõ cho dư luận biết là có lợi ích co kéo không. Nếu không có thì vướng ở khâu nào. Nếu vướng ở khâu chính sách pháp luật thì chúng ta hoàn toàn có thể sửa được. Quốc hội mỗi năm họp 2 lần, nếu không sửa được toàn bộ thì sửa một số điều”, ông Bùi Văn Phương.
Kết quả kiểm toán Chuyên đề việc xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc quản lý của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017 vừa được công bố cũng đã chỉ ra nhiều sai sót về xác định giá trị quyền sử dụng đất, sử dụng tiền thuê đất để góp vốn liên doanh; chưa giám sát chặt chẽ tiền thu từ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn. Những sai sót này cần được các bộ, ngành địa phương rút kinh nghiệm để tránh mắc phải trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian tới.
Thành Trung/VOV1