Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội tổng hợp kết quả kiểm toán 2018, trong đó có tình hình sử dụng vốn ODA cho thấy, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA được đánh giá là chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao so với nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng: cần tăng cường trách nhiệm của đơn vị nhận vốn trong việc thiết kế dự án.
Theo báo cáo của Kiểm toán, trong 42 dự án của Bộ Giao thông vận tải có 27 dự án đội vốn, thêm hơn 122 tỷ đồng và hơn 97 triệu đô la Mỹ. Nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM điều chỉnh vốn 3 lần, tăng hơn 6 nghìn 800 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với ban đầu...
Thậm chí, có dự án điều chỉnh liên quan đến các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội, như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 200% từ 8 nghìn 770 tỷ đồng lên 18 nghìn tỷ đồng. Các dự án ODA sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao gấp 7-10 lần so với trong nước. Dự án tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội: nguyên nhân đội vốn của các dự án là do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ dẫn đến quá trình thi công phát sinh những yếu tố phải điều chỉnh. Vì vậy, làm cho nguồn vốn nâng lên và thời gian hoàn thành dự án kéo dài, khiến ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án. Chính vì vậy, thời gian tới chúng ta cần thay đổi phương thức như: tăng trách nhiệm vai trò của đơn vị nhận được vốn vay: Trong quy định hiện nay cần tăng phần tự vay tự trả chứ không phải đơn vị nhận vốn đó sau đó trách nhiệm trả về nhà nước.
Như vậy các đơn vị nhận vốn phải có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế dự án, thỏa thuận các điều khoản để ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện 100% nhà nước phải tự vay tự trả, chúng ta cần tăng cường vai trò của những cơ quan trong nước trong việc thiết kế các dự án để chúng ta dành quyền chủ động hơn, để đưa ra thiết kế đó phải chính xác, không sai lệch trong quá trình triển khai.
Vốn ODA được kỳ vọng là nguồn vốn giá rẻ song thực tế nhiều dự án có hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, đội vốn và có đơn giá vật tư đặc thù quá cao. Trong quá trình xây dựng các dự án thường phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn, hợp đồng khi thỏa thuận thường để bất lợi cho phía vay vốn như: giới hạn đơn vị thầu, sử dụng thiết bị kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia của nước cho vay với chi phí cao... Vì vậy, mặc dù lãi suất vốn ODA thấp nhưng tổng chi phí trở thành cao. Chỉ tính lương của chuyên gia tư vấn thiết kế nước ngoài từ 20.000-25.000 USD/tháng. Trong khi đó, chuyên gia trong nước trung bình 2.000 USD/tháng. Ví dụ như tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định, phía Việt Nam không thể thay thế.
Đại biểu Phan Viết Lượng, đoàn Bình Phước đề nghị, xem xét lại hoạt động huy động và sử dụng vốn ODA. Đặc biệt là với các công trình có quy mô vốn lớn. Phải đặt hiệu quả, tiến độ, kỷ luật kỷ cương để thực hiện các dự án vay vốn ODA hơn là huy động vốn bằng mọi giá. Cùng với đó quá trình thỏa thuận những điều khoản vay vốn chúng ta phải tránh những điều khoản bất lợi: “Đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các dự án phải đảm bảo có chủ đầu tư đủ năng lực và trách nhiệm. Thực hiện quy trình phải đảm bảo quy định của pháp luật, có thẩm định, đánh giá, dự toán thiết kế. Đặt tiến độ thời gian và gắn trách nhiệm cụ thể trường hợp các hành vi, cá nhân tổ chức nào vi phạm phải tổ chức nghiêm chứ chúng ta không thể huy động ODA bằng mọi giá để làm công trình đó.
Phương Thoa-Văn Hải/VOV1