Kinh tế tăng trưởng top đầu khu vực
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018 đã và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
“Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,35%. Khu vực dịch vụ tăng 6,5%; tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 11,9%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.
Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%, trong đó xuất siêu 711 triệu USD. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng và thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực thực hiện các chương trình, đề án mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 72 huyện và 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,7%).
Đồng quan điểm với báo cáo của Chính phủ, các đại biểu đều bày tỏ sự lạc quan về bức tranh kinh tế những tháng đầu năm. Đồng thời các đại biểu đều khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2019 đạt 6,79% là một con số rất ấn tượng, nổi bật trong vòng 10 năm trở lại đây. Đại biểu đoàn TPHCM Trần Hoàng Ngân ghi nhận những kết quả đã đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao, bội chi giảm, nợ công giảm ở mức 58,4% GDP, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Băn khoăn về giá điện
Mặc dù bày tỏ sự lạc quan về kinh tế những tháng đầu năm 2019 nhưng nhiều đại biểu Quốc hội không giấu được băn khoăn về giá điện và lo ngại giá điện sẽ gây áp lực lên nền kinh tế những tháng cuối năm.
Đại biểu Lê Thu Hà đoàn Lào Cai cho rằng, trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố. Bà Hà dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế cho thấy, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kWh/tháng trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 15% so với bậc 6 của mức giá cũ, chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình.
Theo bà Hà, thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, chứ không phải chỉ là 8,33 - 8,4% như trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. “Vấn đề đặt ra ở đây là, chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo của Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội”, đại biểu Lê Thu Hà phân tích.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cũng đề xuất cần giảm các bậc giá điện xuống chỉ còn 3 bậc giá điện. Cụ thể: Bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 -từ 101-300 kWh và bậc 3 là từ 301 kWh trở lên. Ông Trần Hoàng Ngân dẫn ra thực tế, hiện Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá, Indonesia áp dụng 5 bậc giá và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, chỉnh sửa. “Hiện nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức bậc thang phải có sự thay đổi. Như vậy, việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Ngân nói.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại,... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, yếu kém, thách thức an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Vì thế, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
“Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ; kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Liên quan việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng cho biết, các cơ quan chức năng đang thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam): Về lạm phát, những tháng gần đây có việc tăng giá xăng, giá điện nên cần sự điều hành của chính phủ. Chúng tôi cho rằng cần xem lại cách tính giá điện, bởi cách tính bây giờ là theo bậc thang lũy kế. Theo cách tính của Bộ Công Thương thì mức tăng chỉ là 8,6-8,7% nhưng trên thực tế lại tăng hơn mức đó. Chúng tôi nghĩ là do cách áp dụng bậc thang vì số giới hạn cho bậc thang thấp rất ít, còn giá cao lại nhiều, nên đa phần người dân rơi vào vùng giá cao vì nhu cầu sử dụng điện mùa hè rất nhiều.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2019 đạt 6,79% là một con số rất ấn tượng, nổi bật trong vòng 10 năm trở lại đây. Động lực tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong năm qua chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là chính. Tuy nhiên 4 tháng đầu năm 2019 nhóm ngành này có tốc độ giảm hơn so với quý 1 năm trước. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là các ngành công nghiệp điện tử. Quý 1 năm 2018, các ngành này tăng 34% nhưng năm 2019 chỉ tăng 1,9%. Tuy vậy, chúng ta vẫn giữ được tăng trưởng 6,79% cho thấy kinh tế không bị lệ thuộc quá nhiều vào nhóm ngành mà chúng ta gọi là trụ cột tăng trưởng. Điều này khẳng định kinh tế 2019, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên khi giá điện, giá xăng tăng sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Thêm vào đó, cuối năm 2019, chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục điều này sẽ gây lên sức ép lên nền kinh tế. Ngoài ra cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ làm cho Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng tiền. Khi Trung Quốc phá giá đồng tiền thì buộc lòng chúng ta sẽ điều chỉnh tỷ giá VND điều này sẽ tạo sức ép rất lớn lên kinh tế của nước ta.