Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ

Quân đội nhân dân Việt Nam 'từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ'

 

Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Dù thời chiến hay thời bình, 80 năm qua, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Màu áo xanh sáng lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Làng Nủ - đi dân nhớ, ở dân thương

Cơn bão số 3 - siêu bão Yagi được đánh giá là một trong những siêu bão mạnh nhất 3 thập kỷ qua đổ xuống miền Bắc mang theo sức gió cấp 13, 14, có nơi giật cấp 17, và những trận mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở đất trên diện rộng. Các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ,… chịu tổn thất nặng nề. Bão Yagi cuốn trôi cả một thôn Làng Nủ ở Lào Cai với hàng trăm nhân khẩu, cây cầu Phong Châu (Phú Thọ) cùng nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong thiên tai, màu áo bộ đội sáng lên màu xanh của hồi sinh, của hy vọng...

Bà con Làng Nủ lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98. Ảnh: Kiên Chương

Sau khi dầm mưa chịu rét giúp dân chống lũ ở Hạ Hòa (Phú Thọ), đêm 10/9/2024, 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 nhận lệnh khẩn cơ động gấp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bộ đội là ngôi làng nhỏ xanh tươi đã bị san phẳng thành bình địa lổn nhổn kèo, cột, mái tôn, xe cộ, đồ dùng và dòng nước đục ngầu vẫn đổ từ trên núi xuống…

Những cảm xúc trong khung cảnh khó quên ấy đã được các chiến sĩ Trung đoàn 98 ghi lại trong nội san “Ký ức Làng Nủ”. Binh nhất Triệu Văn Tiến, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 đã viết: “Tôi như chết lặng trước đống bùn nhão, cây cối đổ gãy, dưới lớp bùn sâu là tài sản và những người dân bị nạn vẫn còn nằm lại. Tôi và đồng đội đã động viên nhau càng khó khăn càng phải nỗ lực để tìm kiếm những nạn nhân xấu số”.

Bất chấp lũ dữ, những người lính đã cùng nhau vượt qua hiểm nguy, quyết tâm tìm kiếm và cứu giúp người dân. Mảnh đất Làng Nủ thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người chiến sĩ với nhiệt huyết, lòng nhân ái, với tinh thần sẵn sàng xả thân vì nhân dân phục vụ. Chiến sĩ Thào Mí Lình bị đinh sắt xuyên vào chân, máu chảy rất nhiều nhưng vẫn cố gắng chịu đựng đau đớn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi vết thương quá nặng buộc phải về điều trị tại bệnh viện Quân y 109.

Tinh thần bộ đội Cụ Hồ khiến người dân Làng Nủ lưu luyến, không muốn chia tay những người chiến sĩ hoàn thành công tác cứu hộ, cứu nạn nơi đây để hành quân về doanh trại nhận nhiệm vụ mới. Trên nền đất còn vương vết bùn lầy, với gương mặt còn hoen nước mắt, người dân Làng Nủ ôm chặt các chiến sĩ như ôm người anh, người em, người con của mình, rưng rưng không nói nên lời. Bồi hồi nhớ lại, binh nhất Vàng Seo Chư, chiến sĩ Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 8 viết: “Những chiếc bánh chưng, những gói cơm nắm, chai nước lọc là tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm cho chúng tôi. Trước khi về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt khi bà con dành tình cảm cho mình. Đó là những ký ức khó quên trong đời quân ngũ”.

Để bà con sớm bắt tay xây dựng cuộc sống mới, Bộ Quốc phòng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12 vừa thiết kế, vừa dồn sức thi công, bố trí lực lượng liên tục 3 ca, 4 kíp, làm việc xuyên đêm, bất kể thời tiết nắng mưa, quyết tâm hoàn thành dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, sớm bàn giao nhà cho người dân. Ngày 15/12, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác đã đến động viên, bàn giao, trao quà tặng nhân dân thôn Làng Nủ tại nơi ở mới.

“Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết những thành tựu và rút ra những bài học qua 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Chủ tịch nước Lương Cường nói tại Hội thảo khoa học cấp  quốc gia Kỷ niệm 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam

Màu áo xanh trên tuyến đầu chống dịch

Nhớ hồi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân ở các đô thị lớn không thể quên hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ tham gia giữ vùng xanh, khoanh vùng đỏ, giúp dân những công việc nhỏ nhất như đi chợ hộ, để người dân yên tâm giãn cách tại chỗ.

Quân đội đã triển khai hàng nghìn tổ, chốt chống dịch với hàng vạn lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức hàng nghìn tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng 1 bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thành lập trung tâm điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 vừa và nặng với hàng ngàn bác sĩ, nhân viên quân y.

Kíp bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây mổ cấp cứu cho bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp. Ảnh Lê Quốc

Đặc biệt, quân đội đã hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh phía Nam hơn 133.000 quân nhân. Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, huy động bộ đội, dân quân tự vệ tổ chức lực lượng tuần tra, chốt chặn, tiếp tế lương thực, thực phẩm; phối hợp bảo đảm an sinh. Riêng lực lượng quân y tăng cường 9.758 đồng chí; triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.550 giường bệnh, thành lập 660 tổ Quân y cơ động, 510 tổ vắc xin, 1.125 tổ lấy mẫu xét nghiệm…

Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói; tham gia đề xuất chế độ, chính sách cho các đối tượng. Toàn quân sử dụng 6.162 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay, vận chuyển 25.457 tấn hàng hóa. Đồng thời giúp dân thu hoạch nông sản, vận chuyển trên 15 triệu túi an sinh đến từng hộ gia đình cho người dân.

Tình nghĩa quân dân vượt mọi gian khó

Màu xanh áo lính sáng lên trong bão lũ, đại dịch, lúc nguy nan, và sáng lên cả những khi bình yên.

Màu xanh áo lính sáng lên trong bão lũ, đại dịch, lúc nguy nan, và sáng lên cả những khi bình yên.

Đồn Biên phòng Tuyên Bình (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) 12 năm nay đã trực tiếp quản lý, giảng dạy 29 lớp học tình thương, với 285 lượt học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Năm học 2024 - 2025, lớp có 33 học sinh với 4 cán bộ, chiến sĩ làm “thầy giáo” trực tiếp đứng lớp theo 2 phòng học khác nhau. Một phòng dạy cho các em theo chương trình lớp 1, phòng còn lại dạy chung tất cả các em theo chương trình từ lớp 2 đến lớp 5. Lớp học tình thương do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình đảm nhận vai trò thầy giáo “quân hàm xanh” bắt đầu hành trình “gieo con chữ” cho các cháu học sinh di cư từ Campuchia về Việt Nam trên vùng biên giới còn nhiều khó khăn này. Đây chỉ là một trong hàng trăm lớp học vùng biên của những người lính mang quân hàm xanh.

Những bệnh xá quân y nơi hải đảo góp phần bảo đảm sức khỏe cho ngư dân bám biển. Những chiến sĩ công binh dầm mưa, dãi nắng để lắp đặt kịp thời cầu phao Phong Châu, đảm bảo giao thông thông suốt cho tỉnh trung du Phú Thọ sau bão lớn. Những người lính thợ xây cầu, đường, các công trình trọng điểm vì tương lai đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được nhận nhiệm vụ bảo đảm y tế cho xã đảo Song Tử Tây tại huyện đảo Trường Sa từ năm 2006. Trước đó, từ năm 1991, bệnh viện được bảo đảm y tế cho đảo Sinh Tồn và Nam Yết. Hàng năm, bệnh xá đảo Song Tử Tây tổ chức khám định kỳ hai lần cho toàn quân và dân trên đảo. Trong 1 năm thực hiện nhiệm vụ tại đảo, kíp quân y đợt 1/2023 (công tác từ 31/7/2023 - 31/7/2024) đã khám, điều trị cho 700 lượt bệnh nhân, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các y bác sĩ cấp cứu thành công, có 1 ca giảm áp sâu, 7 ca rách thủng trong đó có 1 ca viêm phúc mạc, 1 ca đứt lìa cánh tay. Bệnh xá Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và ngư dân bám biển.

Khó khăn nào cũng vượt qua, Quân đội nhân dân Việt Nam khắc cốt ghi tâm “Lời thề Nguyên Bình”, trong đó có lời thề thứ 9, kính trọng dân - giúp đỡ dân - bảo vệ dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận