Rà soát, tái cấu trúc toàn diện cơ cấu tổ chức bên trong

Về vấn đề làm gì để việc tinh gọn bộ máy có hiệu quả, phóng viên Báo VOV đã phỏng vấn TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

 

 Sau khi Trung ương tiến hành sáp nhập Bộ, Ban Đảng, Quốc hội… thì các địa phương nhanh chóng sắp xếp sở, ngành. Ông nhận định thế nào tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này?

Thực tế hiện nay cho thấy, đợt tinh gọn bộ máy lần này được thực hiện ở mức độ quyết liệt, khẩn trương, đang thể hiện rất rõ từ Trung ương xuống các địa phương. Nếu chúng ta theo dõi những phát biểu, nhận định, đặc biệt là định hướng cải cách bộ máy của hệ thống chính trị thì thấy rất rõ lần này Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự quyết liệt triển khai cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Nếu những lần trước, chúng ta chủ yếu tập trung vào bộ máy Nhà nước, cụ thể là bộ máy hành chính, thì lần này từ chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư, chúng ta sẽ làm một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm 3 bộ phận là Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội và Nhà nước. Có thể thấy được tinh thần “nói đi đôi với làm”, làm thật sự, được thể hiện rất rõ qua các thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây.

Sau khi Trung ương tiến hành sáp nhập Bộ, Ban Đảng, Quốc hội thì các địa phương đã bắt đầu triển khai các phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy. Thực tế chúng ta cũng đã thấy một số địa phương như Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sóc Trăng… đã bàn và có phương án cụ thể về sắp xếp theo hướng gọn lại các cơ quan, tổ chức trực thuộc.

Làm thế nào để tránh được tình trạng sáp nhập cơ học, để việc tinh gọn bộ máy thực sự hiệu quả, thưa ông?

Giống như bộ máy trên Trung ương, các địa phương muốn thực hiện việc tinh gọn thực sự đúng nghĩa sau sáp nhập là không hề đơn giản. Ví dụ trên Trung ương nếu hai Bộ nhập lại thành một thì dưới địa phương hai sở tương tự cũng sẽ nhập lại thành một, nhưng theo tôi giảm thế chưa chứa đựng được yếu tố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thực sự cho bộ máy. Cho nên câu chuyện mấu chốt ở đây là cần phải rà soát, tái cấu trúc toàn diện cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cũng như các sở ở các địa phương, không thể làm giống như trước đây. Chúng ta phải bàn và tính kỹ, phải liệt kê những công việc của từng cơ quan, tổ chức đang làm và đánh giá, việc này không hề đơn giản. Ví dụ, không nên lập quá nhiều các Vụ ở trên Trung ương như hiện nay mà phải tính xem khối lượng công việc thế nào để xứng đáng hình thành một Vụ. Nếu các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị làm việc này một cách nghiêm túc và bài bản thì sẽ là cơ sở quan trọng để thiết kế lại cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, mới có thể góp phần xóa bỏ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thậm chí chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức.

Tôi khẳng định lại, để tinh gọn hiệu quả thực sự không chỉ là đơn thuần nhập lại về mặt cơ học mà là phải xem xét toàn bộ cơ cấu tổ chức từ Bộ đến sở, từ trung ương đến địa phương. Rồi tiếp đến mới là đổi mới phương thức làm việc cũng như câu chuyện sắp xếp, bảo đảm chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức.

Thời gian ít mà khối lượng công việc lại lớn, vậy các bộ, ban, ngành và địa phương cần làm gì để đạt được mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thưa ông?

Việc đầu tiên, bản thân từng cơ quan phải xem xét lại từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc thì phải xem xét lại từ các bộ, xuống đến các tỉnh, trên cơ sở đó chủ động đề xuất. Nhưng điều quan trọng, theo tôi là ở tầm chỉ đạo. Ban Chỉ đạo trung ương cần có những định hướng, chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành, các tỉnh có cơ sở triển khai. Bên cạnh đó, trách nhiệm của những người đứng đầu là hết sức lớn, họ phải nhận thức rõ, phải thông tin về chủ trương của Đảng về cuộc cách mạng này. Họ không chỉ làm tốt công tác tư tưởng cho bản thân mình mà còn cho cả đội ngũ cán bộ bên dưới. Cuộc cách mạng này chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền, lợi ích của không ít người trong bộ máy. Nhập 2 bộ thì chỉ còn 1 vị bộ trưởng, số lượng thứ trưởng cũng giảm đi… Tương tự là các tổ chức bên dưới.

Mặc dù các bộ, ngành, đơn vị, địa phương mới bắt đầu triển khai phương án sắp xếp nên chưa thể nói đầy đủ kết quả ngay được, nhưng tôi hình dung kết quả của đợt cải cách này là rất lớn và mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chắc chắn là đạt được. Ví dụ như giảm thiểu đầu mối là chắc chắn là đạt được rồi, nhưng mà giảm đến mức nào vẫn là câu hỏi ngỏ, nhất là các đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị được sắp xếp.

Xin cám ơn ông!

 

Thu Hằng thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận