Tinh gọn bộ máy: Vì lợi ích chung, không ai ngoài cuộc

Nhiều địa phương đã lên phương án định hướng sáp nhập các sở, ngành, cơ quan, tinh gọn bộ máy. Tinh thần là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

 

Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, về phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, địa phương này nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì địa phương có sở tương ứng. Theo đó, TP nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu công nghiệp... Sau khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy, dự kiến TP Hồ Chí Minh giảm được 24 đảng bộ, 8 sở, 5 cơ quan hành chính thuộc Uỷ ban nhân dân (UBND) TP. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Định hướng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả được triển khai tại hội nghị với sự thống nhất và quyết tâm cao. Nếu chúng ta đặt lợi ích chung và lợi ích quốc gia lên trên hết, thì lo lắng và băn khoăn sẽ nhẹ nhàng hơn và vượt qua được”.

Cũng với tinh thần khẩn trương đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12, đầu tháng 1/2025 thành phố hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm”. Theo bà Hoài, phải thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức. Trong đó, có 58 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 434 cán bộ cấp phòng. Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị cấp xã để hình thành 56 đơn vị cấp xã mới thuộc 20 quận. Như vậy, Hà Nội giảm 53 đơn vị cấp xã và hơn 90 trụ sở công.

Tại Đà Nẵng, Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất phương án hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch – Đầu tư thành Sở Tài chính - Đầu tư, hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông - Xây dựng, hợp nhất hai Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch thành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học - Thông tin… Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy công quyền và chống lãng phí là một cuộc cách mạng lớn của Đảng và Nhà nước. Theo ông Quảng, việc tinh giản, sắp xếp lại bộ máy không phải là vấn đề mới, nhưng lần này được thực hiện theo phương châm “đi từ trên đi xuống”. Theo tinh thần đó, các địa phương phải hoàn thành báo cáo trung ương trước ngày 31/12/2024.

Ngày 9/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp thảo luận các phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp tỉnh. Theo phương án tinh gọn, việc sắp xếp tổ chức bộ máy dự kiến sẽ giảm 12 đầu mối cấp tỉnh, 36 đầu mối cấp huyện. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Việc sắp xếp tổ chức không phải là làm cơ học, mà là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”.

Cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động sau khi sáp nhập, sắp xếp.

Không còn kiểu vừa làm vừa nghe ngóng

Nhận định về những diễn biến tinh gọn bộ máy thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương ủng hộ”, “vừa chạy vừa xếp hàng” đã lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ. Khi Trung ương sắp xếp, tinh giảm các bộ ngành thì ở các địa phương cũng sẽ giảm tương ứng. Chúng ta làm một cách khẩn trường, đồng bộ cả hệ thống chính trị chứ không còn kiểu nghe ngóng như trước đây.

Ông Hà cho rằng, ở đâu cũng vậy, từ to tới nhỏ, từ Trung ương tới địa phương, khi người đứng đầu quyết liệt sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng. Trung ương làm, địa phương cũng làm, trên làm dưới cũng làm, không có ai ngoài cuộc cả, như thế mới đạt hiệu quả được. Ông Hà lấy dẫn chứng, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ cơ quan, điều quan trọng nhất là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Dẫn chứng từ lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ nào phong trào ấy”, ông Hà cho rằng, người lãnh đạo là linh hồn của mọi phong trào. Thực tế bài học 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã cho thấy, sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo, là chỗ dựa vững chắc, sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong cuộc đấu tranh này.

“Việc tinh gọn bộ máy mấy khóa xử lý chưa được. Kỳ này Trung ương, Tổng Bí thư, Chính phủ đang quyết tâm rất lớn, rất chiến lược. Đây là cuộc cách mạng lớn của đất nước nên giờ không bàn tính mà đã chủ động triển khai ngay quyết liệt từ trung ương đến cơ sở..." - TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Sớm ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ người dôi dư

Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì hướng xử lý, sắp xếp cán bộ dôi dư là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho răng, phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh để vừa tinh gọn bộ máy vừa quan tâm đến nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, để có cơ sở tiến hành việc sắp xếp các tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo sắp xếp của Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng theo ông Vũ Đăng Minh, đây là một chính sách, vấn đề nhạy cảm, phức tạp và tác động lớn đến xã hội, đòi hỏi phải làm rất nhanh. Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định này. Bộ cũng đang khẩn trương tiến hành đánh giá tác động, nghiên cứu sâu, nhiều chiều, kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành; bảo đảm có cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang các khu vực khác, không làm trong cơ quan Nhà nước nữa.

Ông Trần Đình Cảnh - giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, với 831 cán bộ, công chức cấp xã dự kiến sẽ dôi dư sau sắp xếp, Hà Nội đã xây dựng phương án chi tiết để đến năm 2029 (sau 5 năm) giải quyết dứt điểm. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn.

Về vấn đề hỗ trợ cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập, sắp xếp lại, TS. Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Về tổng thể, cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng sau sáp nhập, sắp xếp. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị nên phân chia cụ thể các nhóm bị ảnh hưởng khác nhau, như nhóm lãnh đạo và quản lý, nhóm công chức, viên chức, nhóm người lao động. Hỗ trợ các nhóm này như thế nào thì cần có sự tính toán, để họ có thể ổn định cuộc sống trước mắt và sớm tìm được công việc mới, phù hợp với khả năng để ổn định cuộc sống về lâu dài./.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận