Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để toàn dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Đặc biệt, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về thành lập Hội phản đế Đồng minh. Đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là MTTQ Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân nhằm tập hợp rộng rãi các giai cấp, dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp trong xã hội, người dân yêu nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Vì tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân mà cách mạng cần phải lực lượng, cần có lực lượng. Lực lượng rộng rãi nhưng rất chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện một nước thuộc địa phong kiến và tập hợp tất cả các giai tầng như vậy tôi cho là rất phù hợp. Đây là điểm tập hợp, ngay đầu tiên Đảng đã đề ra một chủ trương rất đúng đắn."
Trải qua 94 năm xây dựng và không ngừng phát triển, dù với tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận Tổ quốc đều chung mục đích xây dựng tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh to lớn. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân đã làm nên cách mạng tháng Tám thành công. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
GS, TS Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Qua bao biến thiên của cách mạng và chiến tranh, Mặt trận trên thực tế rất nhiều, khi thì ở cả nước sau Cách mạng tháng Tám. Khi ở khu vực Miền Nam, Mặt trận lại trở thành như chính quyền của nhân dân. Mặt trận không những là cái áo giáp mà hình thức của chính quyền nhân dân. Qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, đúng là ngôi nhà chung của đại đoàn kết dân tộc."
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc"; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu... Trong các hoạt động của Mặt trận hướng mạnh về cơ sở, địa bàn khu dân cư, xây dựng từng khu dân cư bình yên, địa phương ổn định và phát triển.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: "Ngay từ đầu Đảng ta xác định muốn sự nghiệp cách mạng thành công thì phải tin, dựa và phát huy sức mạnh toàn dân tộc; phải khẳng định "lấy dân là gốc". Những quan điểm này kế thừa, phát huy nâng lên và ngày càng hoàn thiện. Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta."
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 MTTQ Việt Nam diễn ra vào tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
Để bước vào kỷ nguyên mới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ có thể tạo thành sức mạnh to lớn, trở thành lực lượng vô địch khi được tổ chức vững chắc, được giác ngộ sâu sắc về mục tiêu lý tưởng, được định hướng bởi đường lối đúng đắn; lấy mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" làm điểm tương đồng; tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình.
PGS, TS Quách Sĩ Hùng, nguyên giảng viên Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, điểm tựa của một thời kỳ vươn mình. Đại đoàn kết lần này, tôi hy vọng được quy tụ hơn, được thống nhất hơn, kể cả nội dung đoàn kết".
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: "Lúc này để đạt được mục tiêu Tổng Bí thư đề ra thì phải huy động toàn bộ nguồn lực của nhân dân. Trong đó nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài hết sức quan trọng (6 triệu người), những tầng lớp trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học hoặc các doanh nhân. Đây là những nguồn lực rất quan trọng đối với đất nước chúng ta, góp phần đưa đất nước chúng ta chuyển mình, vươn lên."
Trải qua 94 năm, những chặng đường lịch sử, MTTQ Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để luôn là tổ chức tin cậy, đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô cùng quan trọng để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lại Hoa/VOV1