Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết phải đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại sẽ tái diễn tình trạng đội vốn, chậm tiến độ nếu không có những giải pháp quyết liệt.
Ngân sách cần được tính toán kỹ để bảo đảm ổn định kinh tế
Sáng 13/11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.540 km đi qua 20 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67,3 tỉ USD.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 1.541km, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế 350 km/h. Đường sắt tốc độ cao, theo phương án Chính phủ trình sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm (từ năm 2025 đến năm 2037), bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD - tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023 và khoảng 1% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Thẩm tra nội dung về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án. Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao.
Về an toàn nợ công, Tờ trình và các tài liệu kèm theo khẳng định: 03 tiêu chí về mức dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, 02 tiêu chí quan trọng là bội chi NSNN bình quân và chi trả nợ trực tiếp dự kiến sẽ tăng ở mức khá cao. Bội chi NSNN bình quân là 4,1% GDP, tăng trên 30% so với mức mục tiêu là 3%; chi trả nợ trực tiếp khoảng 33 - 34%, vượt mức giới hạn 25% tổng thu NSNN. “Nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách nước ta trong thời gian qua và những năm tới vẫn là bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ. Do vậy, việc cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Đánh giá tác động đến bội chi ngân sách, khả năng trả nợ
Thảo luận tại tổ, ý kiến của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, do Dự án có quy mô đặc biệt lớn với tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỷ USD, mỗi năm phải bố trí khoảng 5,6 tỷ USD, thời gian thi công kéo dài 12 năm. Do đó, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, báo cáo rõ hơn khả năng bố trí, cần đối vốn, đánh giá tác động đến bội chi ngân sách, khả năng trả nợ ngân sách nhà nước trung và dài hạn. Chính phủ cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho Dự án này, đồng thời cần nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối về lãng phí, đảm bảo an toàn cân đối nền kinh tế, giải quyết hài hòa các bài toán kinh tế khác, tránh quá chú trọng đến Dự án này mà làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị trong báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này. Cụ thể bổ sung phân tích, làm rõ hơn tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN; về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án;... “Cần dự báo, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, phù hợp trong quá trình triển khai”, đại biểu Giang nói.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đoàn Ninh Bình đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, báo cáo rõ hơn khả năng bố trí, cần đối vốn, đánh giá tác động đến bội chi ngân sách, khả năng trả nợ ngân sách nhà nước trung và dài hạn, bảo đảm phương án chuẩn bị nguồn vốn thực sự có tính khả thi, không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh khẳng định, đại đa số nhân dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, tuy nhiên điều mà cử tri còn băn khoăn là năng lực và hiệu quả trong tổ chức thực hiện; hiệu năng sử dụng và tính an toàn trong vận hành tuyến đường sắt này. Đại biểu đề nghị, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng của dự án, nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức về ngân sách và nợ công để đảm bảo ngân sách Nhà nước không phải “gánh” sau vài chục năm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội:
Rút kinh nghiệm quá trình đầu tư tại 3 tuyến đường sắt đô thị (Hà Nội có 2 tuyến, TP. Hồ Chí Minh có 1 tuyến) đều kéo dài chục năm chưa hoàn thành. Bí quyết là chúng ta phải làm chủ công nghệ. Chúng ta không quan trọng là công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta, thì mới đảm bảo thời gian hoàn thành và chúng ta sẽ trở thành ngành sản xuất. Nếu tiếp tục mua dự án, sau khi hoàn thành sẽ lệ thuộc vào thiết bị, quá trình vận hành, sửa chữa. Như vậy, trở thành món nợ cho giai đoạn sau.
|