Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc NHNN: Vì sao chỉ bán vàng mà không mua?

'Người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?'.

 

“Việc NHNN bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.

Sáng nay 11/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra với phần đăng đàn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Công tác quản lý thị trường vàng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) cho biết, từ tháng 4/2024, Thủ tướng giao NHNN Việt Nam và các bộ liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng. “Thời gian qua, NHNN thực hiện yêu cầu trên thế nào, qua đó tác động đến giá vàng hiện tại và tương lai ra sao?”, ông Đức chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh việc NHNN bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua.

“Dân muốn bán thì bán ở đâu? NHNN không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua. Và tại sao chỉ bán vàng miếng bình ổn ở Hà Nội và TPHCM mà không bán rộng rãi trên cả nước cho người dân có nhu cầu có thể mua dễ dàng?”, ông Hòa đặt vấn đề.

Giải đáp các thắc mắc nêu trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng của Việt Nam biến động là diễn biến chung như các nước. NHNN tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24, thực hiện các giải pháp ổn định và từ năm 2014-2019 thị trường tương đối ổn định, nhu cầu mua vàng giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước cũng tăng. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2024, NHNN chưa can thiệp.

Từ tháng 6/2024, khi giá vàng quốc tế lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt. NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng và giải pháp này phát huy hiệu quả. Để thu hẹp nhanh khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế, giải pháp đưa ra là bán vàng trực tiếp qua 4 NHTM nhà nước và SJC. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng từ 15 - 18 triệu đồng/lượng, giờ còn 3 - 4 triệu đồng/lượng.

“Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến phức tạp. Nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu nên diễn biến khó lường, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến để đưa ra chính sách ổn định”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Trả lời câu hỏi tại sao chỉ bán vàng miếng mà không mua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung ứng vàng miếng ra thị trường. Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng thì NHNN cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Các NHTM Nhà nước giai đoạn này cũng chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

Còn với hệ thống 22 tổ chức tín dụng và 16 DN kinh doanh mua bán vàng miếng thì việc mua bán vàng diễn ra bình thường. “Còn DN không mua vàng của cá nhân vì một vài lý do nào đó, có thể vì cân đối dòng tiền”, bà Hồng nói.

Về việc vàng miếng chỉ được bán ở Hà Nội và TPHCM, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN chỉ cấp phép cho DN kinh doanh mua bán vàng miếng, không bắt buộc về địa điểm, bản thân DN tự đánh giá nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở địa điểm mua bán vàng miếng. Thực tế nhu cầu mua bán chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM và thành phố lớn.

Một vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa quan tâm là lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn (năm 2023 khoảng 16 tỷ USD), nhưng người dân gửi ngân hàng thì lãi suất chỉ 0 đồng, để ở nhà có khả năng không an toàn, trong khi đó chúng ta phải đi vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ và phải trả lãi. Ông chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam về việc tại sao không vay USD của dân để có lợi cho dân, dù lãi suất thấp hơn vay của nước ngoài?

Trả lời đại biểu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây có giai đoạn nền kinh tế thặng dư ngoại tệ nhưng có nơi găm giữ không bán, người chưa có nhu cầu đã ra mua, nên thị trường ngoại hối và tỷ giá trải qua giai đoạn biến động, gây bất ổn vĩ mô.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.

Từ năm 2016, NHNN áp dụng đồng bộ các giải pháp, như kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ giá trị VNĐ, thực hiện kết hợp lãi suất và tỷ giá để làm sao nắm giữ VNĐ là hấp dẫn và có lợi hơn, khi đó đưa lãi suất của USD về 0%. Việc điều hành tỷ giá trên cơ sở hằng ngày có biến động lên - xuống, từ đó hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ và hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

DN và người dân dân có ngoại tệ sẽ bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho NHNN, vì thế dự trữ ngoại hối gia tăng, có lúc lên hàng trăm tỷ USD. Theo nữ Thống đốc, đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả, tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu tăng lãi suất huy động USD thì người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về tỷ giá, vừa hưởng lãi suất, sẽ gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang USD, dẫn đến nguy cơ trước đây quay trở lại

Về điều đại biểu băn khoăn vì sao phải đi vay vốn nước ngoài mà không vay USD của dân với lãi suất thấp, Thống đốc nhấn mạnh, bản chất nền kinh tế còn thiếu vốn thì cần huy động nguồn lực nước ngoài qua các kênh trên cơ sở đảm bảo cân đối vĩ mô. Còn nếu vay USD của người dân thì tổ chức tín dụng đối diện rủi ro về tỷ giá.

Ai hưởng lợi, ai thiệt khi mua vàng SJC?

Chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã nói lên thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định, thiếu tính bền vững, chịu tác động bởi yếu tố tâm lý kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro, tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

“Các loại vàng đua nhau lập đỉnh, làm cho người muốn sở hữu hoa mắt chóng mặt, cơ quan quản lý không khỏi đau đầu” – ông Dương Khắc Mai nói và đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp nào để người dân yên tâm về sự ổn định của VNĐ, từ đó từ bỏ tâm lý tích trữ vàng, dành nguồn lực cho phát triển đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông).

Vị đại biểu này cũng đánh giá tích cực việc kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới thời gian gần đây. Vấn đề đại biểu đặt ra là ai được hưởng lợi, ai đã, đang và sẽ thiệt khi mua vàng SJC?

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây giá vàng chênh lệch lớn, dẫn đến nhu cầu tăng cao và xuất hiện hoạt động nhập lậu vàng. Sau khi NHNN can thiệp thì giá chênh lệch đã giảm xuống.

Nữ Thống đốc cho rằng, thị trường vàng còn chưa ổn định do yếu tố khách quan của kinh tế thế giới và phụ thuộc nhiều biến số của thị trường tài chính thế giới như lãi suất, giá dầu…. Do đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát thị trường, căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ để có giải pháp can thiệp phù hợp. Về giải pháp căn cơ, NHNN phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá tổng kết Nghị định 24, tham mưu giải pháp giải quyết vấn đề còn tồn tại để hướng đến ổn định.

“Quan điểm chung của NHNN và theo chủ trương chống vàng hóa thì vẫn thực hiện giải pháp làm sao để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Còn vàng tích lũy theo truyền thống Á Đồng sẽ có giải pháp đánh giá để có giải pháp phù hợp”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Trước băn khoăn ai hưởng lợi, ai chịu thiệt khi mua vàng SJC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thực tế khi mua cao thì bán giá cao, khi mua thấp thì bán với giá thấp. “Tuy nhiên, cái lợi của người này thì là cái mất của người kia. Còn thành viên tham gia thị trường vàng như DN kinh doanh luôn có tính toán thận trọng để không chịu rủi ro. Mặt hàng vàng có giá trị cao, giá cả thất thường nên NHNN và các cơ quan cảnh báo việc đầu tư vào vàng cần thận trọng, tính toán cho phù hợp”, bà Hồng nói.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận