Phụ nữ tham gia chính trị: Thách thức cũ trong kỷ nguyên mới

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ ở các lĩnh vực trong đó có chính trị.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham chính chưa tương xứng với sự phát triển lại là vấn đề tồn tại lâu nay.

Câu chuyện và con số

“Đổi mới năm 1986 đã mở ra không gian kinh tế tư nhân và cũng là không gian để trao quyền cho phụ nữ. Chị em làm CEO, làm Chủ tịch HĐQT, đưa con thuyền kinh doanh đi xa và đạt nhiều thành tựu nổi bật” – Bà Tôn Nữ Thị Ninh lên tiếng trong buổi tọa đàm hồi cuối tháng 10 vừa qua.

Sau gam màu sáng trong lĩnh vực kinh tế, bà Tôn Nữ Thị Ninh đi vào chủ đề chính: những khó khăn với phụ nữ tham chính. Mọi người trong hội trường chăm chú theo dõi bức tranh tương phản mà nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội đưa ra.

Đó không phải lần đầu tiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắc đến những thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế để làm rõ những thách thức với phụ nữ trên chính trường Việt Nam. Mười năm trước (2014), bà Tôn Nữ Thị Ninh từng chọn lối chia sẻ tương tự trong bài phỏng vấn có tiêu đề: “Bình đẳng giới Việt Nam đi trước về sau”.

Cùng năm 2014, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị đưa ra thông điệp: “Tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với năng lực, sự phát triển của lực lượng lao động nữ”.

Trong 10 năm qua, thông điệp “tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị chưa tương xứng với sự phát triển” rất nhiều lần được nhắc lại. Nỗi niềm càng thêm đau đáu khi năm 2017, Chính phủ chỉ có 1 thành viên nữ là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ là 26,8%.

Tỷ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam đã có thay đổi tích cực trong thời gian gần đây. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày chuyển biến này trước Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, nhưng kèm theo thông điệp cũ: “Tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị chưa tương xứng với sự phát triển hiện nay”.

Theo thống kê, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV là 30,26% (151 người) và chưa đạt chỉ tiêu 35%-40% đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ hiện có 3 thành viên nữ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 60% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%. Trên bảng xếp hạng bình đẳng giới trong tham chính, Việt Nam hiện đứng thứ 47/187 quốc gia.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới

Những định kiến, rào cản về việc phụ nữ tham chính vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Thậm chí, có những lời khen dành cho phụ nữ vẫn ẩn chứa định kiến của xã hội.

"Phụ nữ thường được khen là tỉ mỉ, giải quyết rất tốt những công việc cụ thể. Nhưng ẩn ý đằng sau là nói chị em thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Trên thực tế, thông điệp cơ bản là chỉ có nam giới mới làm chiến lược còn chị em chỉ làm sách lược. Thành thử, định kiến trong xã hội vẫn còn" - Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, đồng thời đặt ra vấn đề cần thay đổi tư duy và hành động.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, phụ nữ nên nỗ lực để nắm lấy cơ hội cho mình. Bên cạnh đó, nam giới nắm những vị trí cao cần có nhận thức đúng đắn về việc trao cơ hội cho phụ nữ, nhưng việc mở cửa không thể theo lối hạ thấp tiêu chuẩn nhằm chiếu cố chị em.

“Tôi nghĩ chúng ta cần đưa ra những biện pháp tạo điều kiện đúng đắn cho chị em. Trong đó có vấn đề ứng cử của phụ nữ. Về bồi dưỡng năng lực, thì tôi cho rằng chị em sẽ tìm ra cách để đáp ứng yêu cầu khách quan” – Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ quan điểm.

Gần 4 thập kỷ sau Đổi mới, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và có thu nhập cao năm 2045, Việt Nam cần huy động toàn diện các nguồn lực trong đó có vai trò của phụ nữ, để đi vào một quỹ đạo phát triển cao hơn, bên vững hơn.

Trong buổi thăm Học viện Phụ nữ Việt Nam và gặp mặt cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trên toàn cầu, bình đẳng giới nói chung và việc trao quyền cho phụ nữ nói riêng được xem là động lực cho phát triển bền vững, là thước đo đánh giá sự phát triển, tiến bộ và văn minh của xã hội.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực, trong đó có chính trường là xu thế của thời đại. Dấu ấn của phụ nữ trên chính trường không thể chỉ tập trung vào tỷ lệ thống kê, mà còn phải bằng những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, xã hội và chính phụ nữ.

“Sự xuất hiện của phụ nữ trên chính trường không chỉ có lợi chung cho xã hội, mà còn có lợi chung cho chị em. Điều đó truyền đi thông điệp rằng chúng ta (phụ nữ) có thể làm được. Phụ nữ vào chính trường rồi thì không thể ngủ quên trên thành công, như thế là làm không hết trách nhiệm.

Phụ nữ tham gia chính trường không phải là để khoe, mà là để mở lối cho các chị em khác cùng vào, để suy nghĩ xem làm sao giải quyết những vấn đề của phụ nữ như bạo lực gia đình hay sẽ đóng góp được gì cho xã hội” - Bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu quan điểm.

PV/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận