Đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội

Sáng 5/11, tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội thảo luận hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Dự thảo luật quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng.

Ngoài ra còn có một số nội dung liên quan đến thẩm quyền và quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...

Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, từ 1 – 5 tuổi. Cụ thể cấp úy lên 50 tuổi, Thiếu tá 52, Trung tá 54, Thượng tá 56, Đại tá 58 và cấp Tướng là 60.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc tăng tuổi như trên sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ BHXH dài hạn.

Bên cạnh đó, ông đề nghị rà soát để xem xét tăng thêm tuổi đối với cấp Đại tá và cấp Tướng nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.“Số lượng cấp Đại tá và cấp Tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số. Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sỹ quan này trong thời bình hiện nay”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Dự thảo luật cũng quy định, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định không quá 5 năm.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), quy định như trên có thể dẫn đến trường hợp chưa đến trần hoặc vượt trần tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động. Do đó, nên xác định theo hướng cho kéo dài tuổi nhưng không quá 62 với nam, 60 với nữ và giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.

Tương tự, nội dung “Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, theo ông Tô Văn Tám cần rõ “kéo dài hơn” là bao lâu.

Một nội dung khác nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và còn ý kiến khác nhau liên quan đề xuất bổ sung quy định: “Bố trí quỹ đất, bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng và khả năng của từng địa phương”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định một mục riêng về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, từ bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và triển khai thực hiện không cần thêm quy định riêng.

Nếu theo dự thảo thì sau này việc bố trí quỹ đất vẫn phải theo Luật Nhà ở vì thực hiện nhà ở xã hội, việc thực hiện với các nguồn vốn khác nhau cũng có trình tự lựa chọn nhà đầu tư khác nhau nên dễ xung đột với nhiều quy định liên quan.

Hơn nữa, theo một số đại biểu Quốc hội, không phải địa phương nào cũng có quỹ đất để giao, mà chỉ ưu tiên cho sĩ quan quân đội có khó khăn về nhà ở trong quỹ đất nhà ở xã hội chung.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận