Quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành, hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tới ngày nay, mối quan hệ ấy vẫn luôn được gìn giữ, dày công vun đắp và phát triển mạnh mẽ.
Cách đây 75 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: "Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện". Kể từ đó, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã ngày càng phát triển lớn mạnh, kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung, giành những thắng lợi vẻ vang. Tình đoàn kết liên minh chiến đấu của hai dân tộc trong những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù chung đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là cơ sở và nền móng vững chắc, để hai nước tiếp tục phát triển và xây đắp cho tình hữu nghị cao hơn núi, dài hơn sông trong hiện tại và mai sau.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Quân đội Lào được thành lập với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam
PV: Thưa Đại tá Lê Thanh Bài, sự có mặt của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào có được coi là một trong những nguyên nhân rất quan trọng để làm thay đổi, xoay chuyển cục diện trên chiến trường Lào trong những năm tháng mà hai nước chiến đấu chống kẻ thù chung?
Đại tá Lê Thanh Bài: Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã có một vai trò rất lớn trong giúp đỡ bạn từ xây dựng địa bàn, xây dựng căn cứ địa và xây dựng lực lượng. Với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, quân đội Pathet Lào được thành lập. Và từ những đại đội, tiểu đoàn tập trung thì họ đã trở thành lực lượng để tham gia phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam tổ chức các trận đánh, chiến dịch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi.
Chúng ta có thể kể đến những chiến dịch có sự tham gia của liên quân Lào - Việt như Chiến dịch Thượng Lào. Đây là lần đầu tiên quân chủ lực Việt Nam đưa sang tác chiến trên địa bàn Lào. Và chúng ta đã giải phóng một vùng Thượng Lào rộng lớn để củng cố địa bàn cách mạng cho bạn. Hay như trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã hội hợp với bạn hoàn thành Chiến dịch Cánh đồng Chum. Chiến dịch Cánh đồng Chum là một chiến dịch phòng ngự điển hình. Chúng ta đã tác chiến trong cả mùa mưa, giữ vững địa bàn giải phóng cho bạn, và tạo một thế thuận lợi cho cách mạng Lào. Liên quân Lào - Việt cũng được thể hiện trong nhiều chiến dịch khác. Và những chiến dịch đấy đã góp phần tạo ra một thế trận chung cho cả chiến trường hai nước, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào và Việt Nam.
PV: Vị trí địa lý liền kề, cùng chung vận mệnh lịch sử phải chiến đấu chống kẻ thù chung. Điều đó đã gắn kết chặt chẽ hai dân tộc Việt - Lào với nhau. Và với tinh thần giúp bạn cũng là tự giúp mình, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã không quản khó khăn, gian khổ thậm chí là hi sinh để giúp bạn…, thưa ông?
Đại tá Lê Thanh Bài: Quan hệ Việt - Lào, trước hết, đấy là mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc và mối quan hệ đấy được phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta cùng chung một hoàn cảnh lịch sử là chiến đấu chống kẻ thù chung, cùng chung một mục tiêu giải phóng dân tộc. Thực tiễn đó cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, chính vì thế cho nên chúng ta có những hoạt động có thể ghi dấu vào lịch sử.
Ví dụ Liên quân Lào - Việt đã chiến đấu chống thực dân Pháp tấn công vào Thà Khẹt. Đồng chí Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che chở cho Hoàng thân Souphanouvong và hy sinh ở trên dòng Mê Kông. Hay như Đoàn cố vấn quân sự 100 của chúng ta, đã giúp cách mạng Lào thoát khỏi sự bao vây của phái hữu ở Vientiane năm 1960, và giải cứu Hoàng thân Souphanouvong ra khỏi nhà tù. Hoặc là các bà mẹ người Lào đùm cơm, sẻ muối, san sẻ thức ăn, nước uống cho bộ đội Việt Nam, hoặc bộ đội Việt Nam chăm sóc, cứu chữa cho đồng bào Lào.
Đó là những việc làm rất cụ thể, biểu hiện rõ nhất về mỗi quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước. Và chính những cái đó càng làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cho chúng ta luôn luôn ghi nhận và phát huy mối quan hệ này trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Đường Trường Sơn - Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào
PV: Nếu nói về tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc, nhất là sự sẻ chia, giúp đỡ thấm đượm nghĩa tình của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho bộ đội Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới những ngày tháng mà chúng ta lật cánh, mở đường Trường Sơn sang phía Tây, đi qua đất bạn?
Đại tá Lê Thanh Bài: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được coi là một biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào. Với sự lật cánh của đường Trường Sơn sang phía Tây đã tạo cho chúng ta một địa bàn rộng lớn để hoàn thành nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược. Và đường Trường Sơn đã trở thành một hậu phương trực tiếp không chỉ cho chiến trường miền Nam Việt Nam, mà cho cả chiến trường Lào, để cho quân dân hai nước phối hợp với nhau tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ.
PV: Đó cũng là những năm tháng không thể nào quên về tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, hạt gạo chia đôi, cọng rau bẻ nửa của hai dân tộc phải không ạ?
Đại tá Lê Thanh Bài: Đồng bào dân tộc Lào sẵn sàng rời làng, rời bản để cho bộ đội mở đường. Họ sẵn sàng tham gia giúp đỡ bộ đội để chỉ đường, mở lối. Họ cũng sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo để cho bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Đồng bào Lào rất đói khổ, phải đi rừng kiếm củ mài để ăn, nhưng không xâm phạm đến lương thực, thực phẩm của tuyến chi viện chiến lược. Và bộ đội của chúng ta cũng sẵn sàng nhường bớt khẩu phần ăn của mình để giúp đồng bào khi đói.
Có những câu chuyện rất cảm động, mà sau này trở thành gần như là huyền thoại mà trên thế giới không có. Đó là một Binh trạm của Bộ đội Trường Sơn nhận được tin của một bà mẹ đẻ sinh đôi, nhưng mà bà mẹ mất. Theo phong tục Lào là người con mới sinh ra phải chôn cùng với mẹ. Khi Binh trạm biết được nên đã đưa hai đứa bé về nuôi. Sau này được đưa về Việt Nam, đưa về Ninh Binh và Thái Bình nuôi dưỡng, trở thành công dân Việt Nam. Hai bạn tên là Quang và Trung. Lấy tên Quang Trung, đây là mật danh của chiến dịch vận tải quân sự. Việc này sau này được rất nhiều báo chí biết đến. Đây có thể coi như là một biểu tượng rõ nhất, một sự gắn bó sâu sắc nhất của hai dân tộc.
PV: Đó cũng là điểm tựa vững chắc để các thế hệ hai nước hôm nay và mai sau luôn biết nâng niu, trân trọng, gìn giữ và phát huy, làm cho mối quan hệ, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng hiệu quả hơn nữa, vì cuộc sống hoà bình, tự do và hạnh phúc của nhân dân hai nước, thưa Đại tá Lê Thanh Bài?
Đại tá Lê Thanh Bài: Mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam và Lào đã được xây đắp và phát triển trở thành một tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt, là tài sản vô giá của hai dân tộc và trở thành một quy luật của cả hai nước trong chiến đấu chống kẻ thù chung, cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Phát huy những chiến công trong liên minh chiến đấu trong hai cuộc chiến kháng chiến, sự giúp đỡ nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung giành lại độc lập dân tộc, thì ngày nay Việt Nam và Lào phối hợp chặt chẽ với nhau xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng nhau phát triển để xây đắp tình đoàn kết, đồng thời để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Những tài sản được coi là vô giá, những chiến công, những hy sinh, xương máu của quân tình nguyên Việt Nam trên nước Lào, sự liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung đã trở thành tài sản của hai dân tộc, là một cơ sở để tiếp tục phát triển mối quan hệ cho đến ngày nay. Và tôi nghĩ rằng, đấy trở thành một quy luật để cho chúng ta cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển.
PV: Xin cảm ơn Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam!
Trường Giang/VOV