Quyết tâm gìn giữ và phát huy quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt - Lào

Gần 80 năm qua, tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào được xây dựng trên nền tảng lịch sử đấu tranh cách mạng...

 

Gần 80 năm qua, tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào được xây dựng trên nền tảng lịch sử đấu tranh cách mạng. Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam có mặt trên đất bạn Lào giúp đỡ với tình cảm vô tư, trong sáng, nhiều người vẫn còn nằm lại chưa thể trở về. Thế nhưng sự thực lịch sử đó, đang bị một số thế lực bóp méo, xuyên tạc nhằm chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc.

Ngày 30/10 năm nay, tròn 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2024)

Đại tá Tào Văn Thái là Tuỳ viên Quốc phòng tại Lào từ năm 2012 đến năm 2020, hơn 8 năm gắn bó với đất nước Lào, ông đã chứng kiến những bước phát triển trong quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực quan hệ quốc phòng. Trong tình hình mới, những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Lào vẫn luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của quân tình nguyện Việt Nam trong suốt những năm tháng hai nước kề vai, sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung. Vì thế, với bộ đội Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn dành cho những tình cảm đặc biệt. Đại tá Tào Văn Thái nhớ lại kỷ niệm để lại dấu ấn sâu sắc trong thời gian ông làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào.

Đại tá Tào Đức Thắng nói: "Khi mà đồng chí Huỳnh Đức Hương đi xuống Champasak để gặp nguyên Chủ tịch nước Lào, thì khi đấy là nước ngập, lụt, đồng chí Khamtai có ý kiến và cho cả xe bọc thép, xe lội nước chở đoàn chúng tôi vào và gặp. Và cái lần sau đó thì tôi có dịp cùng với đồng chí đại sứ đi chúc thọ đồng chí Khamtai, thì đồng chí vẫn nói rằng là, rất là mong là lãnh đạo của hai nước hiện nay, nếu có việc gì thì nó cũng giống như thời kháng chiến, chúng ta mỗi người là nằm trên cái võng rồi nói chuyện với nhau, gác chân lên nhau mà kể chuyện, nói chuyện với nhau. Cái đó thì tôi nghĩ là rất gắn bó với nhau thì mới nói được câu như vậy."

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. (Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)Cựu Chiến binh Trịnh Thanh Hảo có gần 20 năm chiến đấu và công tác trên đất bạn Lào, ông đã thấu hiểu những khó khăn, gian khổ, hy sinh mất mát của bộ đội Việt Nam trên chiến trường Lào. Sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam đã đáp ứng lòng mong mỏi và nguyện vọng tha thiết của Đảng, Chính phủ và Nhân dân các bộ tộc Lào. Sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, không một chút vụ lợi của quân tình nguyện Việt Nam đã nhận được những tình cảm và sự giúp đỡ thân tình của nhân dân Lào. Những tình cảm về tinh thần sẻ chia, đùm bọc, hạt gạo chia đôi, cong rau bẻ nửa trên đất bạn Lào ngày ấy, vẫn được Cựu Chiến binh Trịnh Thanh Hảo lưu giữ nguyên vẹn trong ký ức.

Cựu Chiến binh Trịnh Thanh Hảo chia sẻ: "Chúng tôi thấy đu đủ họ đưa về cho ăn, thấy chúng tôi ăn, thì nhà khác cùng thi nhau đi bẻ đu đủ về để cho bộ đội ăn. Thấy chúng tôi thèm mía, thì họ đi chặt từng vác mía và bó mía về để cho bộ đội ăn, sống rất là tình cảm như vậy. Nhân dân Lào đi săn được một con nai, thì họ cùng chia cho bộ đội chúng tôi một suất như một gia đình của người Lào. Cái tình cảm này vô cùng quý báu."

Tình cảm và sự ghi nhận của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là bằng chứng sinh động nhất cho thấy chủ trương đúng đắn, nhân văn và cao cả của Đảng, Nhà nước Việt Nam khi cử quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp nước bạn Lào. Bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước hiện nay, cũng cho thấy hai nước đang tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử để vun đắp, bồi tụ cho mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Có thể thấy rằng, trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc, cùng đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, mà bắt nguồn từ vị trí địa chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc.

Đối với nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, quan hệ đặc biệt này được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một. Dù gian nan nguy hiểm, dù khó khăn, thách thức đến chừng nào thì cũng không thể chia tách được. Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam đã khẳng định điều này khi phát biểu tại Hội thảo Khoa học “Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” vừa mới diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam.Đại sứ Lào nói: "Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến chuyển lớn, phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Lào và Việt Nam bằng "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đồng thời, chúng tìm cách chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, xuyên tạc, bóp méo liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trong chống kẻ thù chung. Để đánh bại những âm mưu, thủ đoạn đó của các thế lực thù địch, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam, chúng ta cần tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai nước và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm quí về đoàn kết, hợp tác, phối hợp, hiệp đồng thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung, nhất là với những nhiệm vụ, mục tiêu ở Lào."

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cũng cho rằng, Việt Nam và Lào nằm trên bán đảo Đông Dương, một khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Thời gian vừa qua, sự hiện diện của nhiều nước lớn vào khu vực cũng như hợp tác đầu tư tại Việt Nam và Lào dưới nhiều hình thức khác nhau, thể hiện ý định tranh giành ảnh hưởng, điều đó đã ít nhiều gây ra những xáo trộn về lợi ích của mỗi nước.

Thêm vào đó, lợi dụng nhiều diễn đàn khác nhau, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình. Mục đích là nhằm chống phá chế độ chính trị của mỗi nước, đồng thời xuyên tạc phá hoại mối quan hệ hợp tác thủy chung và trong sáng của Việt Nam và Lào. Trong bối cảnh phức tạp như vậy thì tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt trong lịch sử là điểm tựa vững chắc để hai nước kế thừa, vun đắp và phát triển vượt lên những thách thức đang đặt ra.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự."Để vượt qua những thách thức đó, điều quan trọng nhất, hai nước phải thực sự đứng vững trên lập trường, lợi ích chung mà mỗi nước đều mong muốn. Đó là hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ và cùng phát triển, để trao đổi thống nhất giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong giải quyết các vấn đề chưa thống nhất, nếu có, thì hai nước phải thực sự là đứng vững trên những nguyên tắc cơ bản, giải quyết các vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia của nhau. Đặc biệt, là phải hiểu rõ được những giá trị đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước mà biết bao nhiêu thế hệ và xương máu mồ hôi của quân và dân hai nước đã đổ xuống mới có được" - Thiếu tướng, Nguyễn Hoàng Nhiên nói.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào. Do vậy, tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng hai nước Việt - Lào chính là tài sản vô cùng quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước trước đây, cũng như là trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Trường Giang/VOV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận