Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, Thành phố.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn này sẽ sắp xếp, thành lập đối với 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 487 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 254 đơn vị hành chính cấp xã mới của 21 tỉnh, thành phố, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 233 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 5 tỉnh, thành phố (Long An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Phòng) đề nghị không thực hiện sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 17 tỉnh, thành phố còn lại đề nghị không thực hiện sắp xếp 221 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo kế hoạch, sẽ có 525 người dôi dư ở cấp huyện; 5.917 người dôi dư cấp xã; UBND 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định. Sẽ có 63 trụ sở cấp huyện dôi dư; 387 trụ sở cấp xã dôi dư.
Các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình. Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính rất quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chờ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từng ngày để thông qua theo đúng tinh thần Nghị quyết 37 của Trung ương và kết luận 48 của Bộ Chính trị để sắp xếp đơn vị hành chính nhằm phụ vụ cho Đại hội đảng bộ các cấp; đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nội vụ, cấp ủy, chính quyền của 21 tỉnh, thành phố đã rất trách nhiệm và quyết liệt triển khai thực hiện.
Trong số 254 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 104 đơn vị của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, trước mắt cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với 104 ĐVHC của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định như phương án Chính phủ đã trình theo thẩm quyền. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội tán thành về thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết; đối với Nghị quyết của các tỉnh, thành phố có sắp xếp, điều chỉnh nhiều đơn vị hành chính, trong đó có cả các ĐVHC cấp huyện thì đề nghị cân nhắc có thể có hiệu lực muộn hơn (01/01/2025), để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị. Cụ thể: hiệu lực thi hành các Nghị quyết của các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu là ngày 01/01/2025; đối với Nghị quyết của 17 tỉnh còn lại là ngày 01/12/2024.
Từ thực tế và rút kinh nghiệm qua các lần sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương khác trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: "Cần ưu tiên số 1 là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự; sớm ổn định hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, hạn chế tối đa xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân; phải tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt công tác chuẩn bị; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thay đổi giấy tờ. Người dân, doanh nghiệp sợ nhất việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thay đổi giấy tờ. Phải có biện pháp tuyên truyền trước, trong, sau kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Người dân phải là trung tâm trong câu chuyện sắp xếp này. Đồng thuận xã hội, người dân là yếu tốt quyết định thắng lợi nhiệm vụ này."
Nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện đúng như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các địa phương cần phải thận trọng trong các các khâu, trên tinh thần tiết kiệm và nhanh chóng thực hiện theo đúng thời hạn đã đề ra.
Tại phiên họp, với tỷ lệ 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, Thành phố.
Lê Tuyết/VOV