Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa (Uỷ ban 3) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 ngày 22/10 đã thảo luận đề mục thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.
Tại phiên thảo luận, các nước đánh giá việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức đa chiều và phức tạp do ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng…
Để giải quyết các thách thức này và thúc đẩy quyền con người, các nước cho rằng cần tăng cường đoàn kết, hợp tác, thúc đẩy đối thoại, tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh chỉ có thể đạt được các tiến bộ về quyền con người khi duy trì được hòa bình, ổn định, pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, đồng thời bảo đảm tôn trọng nguyên tắc chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ.
Bên cạnh đó, trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách của người dân, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách. Đại sứ cho rằng đối thoại, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau thay vì chính trị hóa và đối đầu là cách thức hiệu quả nhất để bảo đảm quyền con người, góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, không để lại ai bị bỏ lại phía sau.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam không ngoài mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống và các quyền của người dân Việt Nam.
Kiên định, nhất quán với mục tiêu đó đã giúp Việt Nam đã vượt rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, cấm vận trở thành một trong nền kinh tế năng động và phát triển nhanh hàng đầu thế giới.
Khẳng định quyền con người không chỉ là một giá trị cơ bản mà còn là nội dung quan trọng trong hợp tác quốc tế của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu bật những kết quả tích cực Việt Nam đạt được thời gian qua, thể hiện rõ trong Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV mới được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua ngày 27/9/2024.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã thông báo Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028 và kêu gọi các nước ủng hộ ứng cử này.
PV/VOV-Washington