Chính sách cho người lao động có thu nhập thấp sắp hết hạn vẫn chưa có hướng dẫn

Sau gần 3 năm Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định 'người lao động có thu nhập thấp'...

 

Sau gần 3 năm Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 1 năm. 

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết điều này khi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. 

Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị, đạt 100%.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, qua giám sát cho thấy việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Như từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”.

Qua giám sát cho thấy, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. “Người lao động có thu nhập thấp” là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” theo Quyết định số 90. Do không có cơ sở để xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp” nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.

Như vậy, sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn hơn 1 năm. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. 

Qua giám sát cho thấy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10/7/2023 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó đã xác định bảo đảm có vaccine sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách và giao Bộ Y tế trong tháng 7 năm 2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Tuy nhiên, đến ngày 5/02/2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành, theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến tháng 6/2024, Bộ Y tế mới ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện. 

Theo báo cáo, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận