Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng

MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần tích cực, hiệu quả vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội VI của Đảng xác định: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động". Từ Đại hội VI, trong các nhiệm kỳ đại hội, Đảng không ngừng hoàn thiện, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội X của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là "nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương.

Đại hội XI của Đảng xác định cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", gắn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đến Đại hội 13 của Đảng đã phát triển thành cơ chế: "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ", bổ sung phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định, dân thụ hưởng là biện chứng. Kinh tế thị trường thì động lực quan trọng là lợi ích. Do đó, sự hài hòa về lợi ích là quan trọng.

"Làm thì phải được hưởng, làm nhiều phải hưởng nhiều. Đây là nguyên lý của CNXH. Người dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất thì nhân dân phải là chủ thể để thụ hưởng những thành quả do mình làm ra. Đó là bản chất của chế độ XHCN và đó cũng là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội"- GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích.

Cụ thể hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, gần 40 năm qua hệ thống MTTQ Việt Nam đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tạo đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước.

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư"; cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế",... đã làm lên kỳ tích trong công tác Mặt trận thời kỳ đổi mới.

Đáng chú ý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mới đây là phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" hoàn thành trong năm 2025.

Đặc biệt, với vai trò tập hợp nhân dân, hệ thống MTTQ đã vận động, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đến nay Quỹ Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng và được sao kê, công khai, minh bạch để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được biết.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh MTTQ Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp và khơi dậy tinh thần dân tộc và sự đoàn kết các dân tộc, đặc biệt là sự hỗ trợ, chia sẻ của đồng bào trong những lúc hoạn nạn khó khăn.

Muốn người dân cả nước biết những ủng hộ của bà con cả nước, của người Việt Nam ở nước ngoài, của các tổ chức các doanh nghiệp qua MTTQ Việt Nam để đến với đồng bào nơi ảnh hưởng của bão lũ thì sẽ được công khai minh bạch, với mục đích là để lan tỏa tấm lòng, sự chia sẻ mọi người đến với nhân dân cả nước và hướng về đồng bào bị bão lũ.

Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động giám sát, phản biện từng bước được mở rộng trên các lĩnh vực liên quan đến dân sinh, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mọi tầng lớp nhân dân đến Đảng và Nhà nước. Tổ chức hiệu quả các giải pháp lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên; tham gia phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, bối cảnh mới cần phải thực dự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc giám sát, phản biện xã hội, giúp Đảng có cái nhìn khách quan, để đề ra và tổ chức thực hiện những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hợp lòng dân, trúng với ý Đảng"-PGS.TS. Vũ Văn Phúc nói.

Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành quả đạt được gần 40 năm qua cũng là cơ sở để Đảng ban hành Nghị quyết số 43 ngày 14/11/2023 tạo cơ sở, tiền đề cho MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện đúng và tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận