Chủ tịch Quốc hội: Phải nâng tính chuyên nghiệp, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

Sáng 14/10, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 42 nội dung, nhóm nội dung, trong đó 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28,5 ngày, khai mạc vào 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11 (tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ 21/10 – 13/11; đợt 2 từ 20/11 – 30/11/2024).

Để các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, nghiên cứu trước hồ sơ, tài liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo kịp thời gửi đến các đại biểu Quốc hội ngay từ giai đoạn thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tính đến ngày 3/10, có 120/150 đầu tài liệu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội; Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã gửi 70/76 đầu tài liệu; các cơ quan của Quốc hội đã gửi 50/74 đầu tài liệu…

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8; đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị kỳ họp.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian từ nay đến khi bắt đầu kỳ họp không còn nhiều, dự kiến ngày mai, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ để soát xét các nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về những việc đã chuẩn bị, đang chuẩn bị và còn những khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh.

Đánh giá cao nỗ lực của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành trong việc chuẩn bị tại liệu cho kỳ họp, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ, các bộ ngành cần thực hiện hạn thời gian theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chậm nhất ngày 19/10 gửi tới cơ quan thẩm tra, đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương là phải trình nội dung này tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những nội dung khác mà Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp, các cơ quan tích cực quan tâm theo hướng những vấn đề đã chín, đã rõ, có đầy đủ tài liệu thì đưa vào, những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa đầy đủ tài liệu thì để sang kỳ họp kế tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác Đại biểu chuẩn bị kĩ lưỡng về công tác nhân sự; Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại; giao Tổng thư ký Quốc hội khẩn trương phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhóm vấn đề chất vấn.

"Tinh thần là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Trình Quốc hội quyết định theo quy định của Quốc hội, còn những vấn đề thuộc Chính phủ như nghị định, thông tư thì đưa ra, không luật hóa nghị định, thông tư. Tinh thần đó cũng đã quán triệt tại các cuộc họp. Chúng ta từng bước phải nâng lên tính chuyên nghiệp và tính chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật. Tránh làm luật mà khi thông qua, chưa thực hiện đã đề nghị sửa và mới thực hiện một vài tháng lại thấy bất cập. Nguyên nhân là do căn gốc chúng ta làm chưa kỹ từ các cơ quan soạn thảo" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng các dự án luật, đồng thời nhận được sư đồng thuận cao từ công tác nhân sự đến các nội dung khác.

Lê Tuyết/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận