Thủ tướng: Doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong

Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân VN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

 Cùng dự có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch tập đoàn Viettel cho biết, hiện nay Viettel đã đầu tư vào 13 quốc gia với 24 dự án trong các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp và bưu chính với tổng số vốn đã thực hiện là gần 1,5 tỷ USD. Đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đạt trên 82%, mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ cơ bản thu hồi toàn bộ vốn đầu tư đã bỏ ra.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài, Viettel đã gặp một số khó khăn. Ông Tào Đức Thắng kiến nghị, Chính phủ xây dựng nghị quyết chuyên đề thúc đẩy chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, có những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn tự tin đầu tư ra nước ngoài tránh bị tổn thương trên thị trường quốc tế

Chính phủ hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trở thành các sếu đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển, đầu tư ra nước ngoài, tạo dựng được cộng đồng, hệ sinh thái dịch vụ để cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước lớn trên thế giới.

Cùng với đó tiếp tục nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến rất hay, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.

Thủ tướng vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thủ tướng nhấn mạnh, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế và đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Đội ngũ doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)

Với các bộ, các ngành, các địa phương, Thủ tướng đề nghị 6 nhiệm vụ: Một là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai là phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ toàn diện, như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng về văn hóa, thể thao, góp phần cho giảm chi phí logistics, giảm chi phí đi lại, tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất, góp phần cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, cho doanh nghiệp và doanh nhân nói riêng.

Thứ tư là hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, doanh nhân hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước.

Thứ năm là bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.

Thứ sáu là xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của đất nước chúng ta, là anh hùng trong giải phóng dân tộc và phát triển đất nước nhanh, bền vững".

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị thực hiện các tiên phong: Tiên phong góp phần thúc đẩy 3 đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định, đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, và đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn động lực tăng trưởng mới.

Tiên phong trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ưu tiên cho tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiên phong trong xây dựng, quản trị doanh nghiệp hiện đại, góp phần xây dựng, quản trị đất nước thông minh, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Tiên phong trong việc củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội. Chúng ta không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì hùng cường thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần yêu nước bằng hành động cụ thể, bằng kết quả cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có hiệu quả cân, đong, đo, đếm được, lượng hóa được.

"Chúng ta cùng nhau phát triển đất nước, cùng nhau đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới đạt được mục tiêu như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, năm 2030 là một nước công nghiệp phát triển có thu nhập trung bình cao và là nước đang phát triển và đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, đòi hỏi tất cả đều phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm quyết tâm cao rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, nỗ lực rồi nỗ lực hơn nữa" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Vũ Khuyên/VOV
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận