Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Dư luận hiện nay rất đồng tình với Việt Nam, đặc biệt, sau kết quả tích cực của Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam.

 

Việc thông qua Báo cáo tại Hội đồng nhân quyền là bước cuối cùng hoàn thành một chu kỳ UPR. Dư luận hiện nay rất đồng tình với Việt Nam, đặc biệt, sau kết quả tích cực của Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Nhóm làm việc hồi tháng 5/2024.

Sau Phiên đối thoại tại nhóm làm việc về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 5/2024, Việt Nam đã tích cực rà soát, xem xét các khuyến nghị nhận được. Đồng thời, Việt Nam sẽ tham gia trình bày tại Phiên họp thông qua chính thức Báo cáo UPR chu kỳ IV trong khuôn khổ Khóa họp 57 của HĐNQ LHQ diễn ra tại Geneva từ ngày 26-28/9/2024.

Việc thông qua Báo cáo tại HĐNQ là bước cuối cùng hoàn thành một chu kỳ UPR. Dư luận hiện nay rất đồng tình với Việt Nam, đặc biệt, sau kết quả tích cực của Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Nhóm làm việc hồi tháng 5/2024.

(Ảnh minh họa)

Bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc

Trong suốt thời gian qua, từ chu kỳ đầu tiên cho đến nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến triển trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là với việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với 1 chương riêng về quyền con người, và sau đó trên cơ sở Hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hơn 100 văn bản pháp luật khác nhau.

Đồng thời, phải kể đến sự phát triển về kinh tế - xã hội rất ấn tượng ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, bất định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nố lực trong nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm trước các vấn đề phát sinh, điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp; với sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội. Đặc biệt, với sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực qua từng tháng trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2024 được kiểm soát ở mức 4,08%; thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực; các cân đối lớn được bảo đảm, tạo cơ sở và niềm tin thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,68 tỷ USD/tháng...

Nhiều tín hiệu tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Lấy người dân làm trung tâm của phát triển

Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam được xây dựng và bảo vệ cùng thời điểm với nhiều Báo cáo quốc gia về thực hiện một số điều ước về quyền con người và Báo cáo quốc gia Rà soát tự nguyện về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam có thể xác định tương đối đầy đủ các nội dung cần chuẩn bị trong đối thoại với các nước. Việt Nam đang chủ động, tích cực phát huy vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, ghi được nhiều dấu ấn với các sáng kiến được đông đảo các nước ủng hộ ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất... được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Việt Nam vừa trình bày báo cáo, vừa giải đáp, cung cấp thêm thông tin, chia sẻ số liệu, lập luận mới liên quan đến thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Những thành tựu đã đạt được, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, qua đó có thể thu hút được thêm sự quan tâm, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho quá trình này ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (thứ 2 từ phải sáng) dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (tháng 5/2024).

Nhân quyền là vấn đề mang tính phổ quát của toàn cầu. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia, dân tộc, tuỳ theo đặc điểm văn hoá, lịch sử đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Việc áp đặt tiêu chí của nước này, nước kia vào nước khác là không phù hợp và đó cũng là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không đúng với quy định của Liên Hợp Quốc.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thể hiện bằng những hành động cụ thể thực thi quyền con người theo những Công ước mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể như: Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. So với nhiều nước, Việt Nam không thua kém về số lượng các công ước đã ký kết.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, đã nhấn mạnh rằng, những kết quả mà Việt Nam đạt được là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận