Tiếp tục chương trình phiên họp 37, sáng 26/9, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Ủy ban TVQH đề nghị làm rõ số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng rất mạnh (bằng 229%); cũng như tình trạng Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên so với năm 2023, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng rất mạnh (bằng 229%). Ngược lại, số đoàn đông người đến các bộ, ngành lại giảm mạnh (giảm 55%). Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình hình này để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục.
Qua báo cáo cho thấy, số đơn có đủ điều kiện xử lý năm 2024 ở bộ, ngành là 52%. Ở Thanh tra Chính phủ là 34%, ở 45/63 địa phương là 85%. Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với ở địa phương để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
Số liệu báo cáo cũng cho thấy, tình trạng Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị: "Về tiếp công dân, chúng tôi đề nghị chúng ta cũng cố gắng tiếp công dân được nhiều, nhưng một số đơn vị một số cá nhân không tiếp công dân thì chúng tôi đề nghị cần có địa chỉ địa phương nào tiếp công dân tốt, bộ ngành nào tiếp công dân tốt, và những bộ, ngành, địa phương nào người đứng đầu ít tiếp công dân".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng: "Tiếp công dân tính số buổi là một chuyện, nhưng mà chất lượng tiếp mới quan trọng. Người có thẩm quyền để giải quyết hay không? Giờ thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch tỉnh tỉnh, chủ tịch huyện, nhưng người tiếp lại là cấp phó thì rất khó. Thế nên nếu người đứng đầu trực tiếp tiếp và người đó có thẩm quyền giải quyết thì tôi thấy đánh giá đây chất lượng của việc tiếp công dân đã được nâng lên một bước đáng kể".
Về kết quả giải quyết khiếu nại, năm 2024 cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 80%, chưa đạt mục tiêu 85% mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt, ở các địa phương, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 76%. Do đó đòi hỏi các cơ quan nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng mục tiêu giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu kiện tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, từ giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đã tạo niềm tin của công dân với Đảng, Nhà nước; xử lý nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng, tạo niềm tin cho nhân dân, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhấn mạnh nếu ở xã, phường dân khiếu kiện thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước cấp uỷ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương quan tâm giải quyết ngay tại cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ việc số người đến khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành giảm nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng. Cần phân tích rõ số liệu, các vụ tồn đọng kéo dài. Như có vụ việc kéo dài 10 năm, 20 năm có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rồi mà không giải quyết.
Lại Hoa/VOV1