Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của quân đội từ buổi sơ khai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi vừa thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực quốc gia đầu tiên đã hoạt động bám sát nguyên tắc lấy xây dựng chính trị làm gốc, lấy tuyên truyền làm phương thức cơ bản để đấu tranh với kẻ thù, đồng thời, “tuyên truyền, vận động” cũng là cách thức xây dựng, phát triển quân đội từ buổi sơ khai.
Ngày 27/12/1944, chỉ 5 ngày sau khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đội đã cho ra mắt vũ khí đặc biệt – đó là tờ báo Tiếng súng reo. Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Đội, tạo niềm tin trong dân trước sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng.
Bà Tô Thị Trang, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, tờ báo được ra đời ngay sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đội.
“Tôi may mắn được lớn lên bên ông nội Tô Vũ Dâu, 1 trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Khi ông nội còn sống thì nhà tôi là nơi các bạn bè, chiến hữu của ông đến hàn huyên, kể lại quá trình hoạt động cách mạng gian khổ của các ông. Vào cuối tháng 12/1944 khoảng 1 tuần sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh thắng hai trận đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Đội đã cho phát hành tờ báo Tiếng súng reo để phát huy thanh thế hơn nữa của Đội và mở rộng tuyên truyền cách mạng trong nhân dân của các tỉnh Cao – Bắc – Lạng. Ngoài tờ báo chính thức bằng tiếng phổ thông, thì báo Tiếng súng reo còn được dịch ra các thứ tiếng khác như Tày, Nùng, Dao để phát hành tới các tổ chức, quần chúng khác như thanh niên, phụ nữ" - bà Tô Thị Trang chia sẻ.
Sau thắng lợi Phai Khắt, Nà Ngần, Ban Chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân quyết định chấn chỉnh, củng cố lực lượng và huấn luyện bổ sung. Chỉ sau một tuần, việc bổ sung đã hoàn thành và đội đã phát triển thành một đại đội gồm 4 trung đội. Đội cũng thành lập Ban Công tác chính trị đại đội, tổ chức cho đội viên nghiên cứu thêm về chương trình, điều lệ Việt Minh, học 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật, 5 bài huấn luyện nhiệm vụ tuyên truyền...
Theo PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của những thắng lợi đầu tiên, mở rộng tuyên truyền cách mạng trong nhân dân, cuối tháng 12 năm 1944, đội đã cho phát hành tờ báo Tiếng súng reo. Đây là tờ báo đầu tiên của Lực lượng vũ trang và là tờ báo nằm trong hệ thống báo chí cách mạng.
"Qua một số đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, chúng tôi được biết, tờ Tiếng súng reo đã đăng và phân tích Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về nhiệm vụ và tiền đồ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, hay đăng tải 10 lời thề danh dự. Tờ Tiếng súng reo còn phản ánh tình hình trong nước và thế giới ở mức độ đơn giản. Đặc biệt trên số đầu tiên còn dành một số bài vở tường thuật chi tiết về 2 chiến thắng đầu Phai Khắt và Nà Ngần, cũng nêu nên kinh nghiệm chi tiết về 2 trận chiến thắng đó.” - PGS, TS Trần Ngọc Long cho hay.
Tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng khẳng định: “Khoảng một tuần sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra quân đánh thắng hai trận đầu, Đội đã cho phát hành tờ báo Tiếng súng reo... Những người tổ chức tờ báo đã chọn trong những đội viên viết chữ đẹp, chép thành nhiều bản, với nhiều khuôn khổ khác nhau trên các loại giấy mà Đội có thể có được lúc đó…".
“Dù viết bằng tay, in ấn xuất bản thô sơ, nhưng tờ Tiếng súng reo đã kịp thời đáp ứng công tác tuyên truyền giáo dục và huấn luyện cho các tổ chức vũ trang cách mạng lúc bấy giờ. Cũng như đáp ứng công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng. Đó là tiền đề cho sự ra đời của tờ báo lực lượng vũ trang sau này. Tuy ra đời và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, bối cảnh lịch sử đặc biệt, nhưng tờ Tiếng súng reo đóng vai trò quan trọng phục vụ cho cụ thể hóa việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lúc bấy giờ là chính trị trọng hơn quân sự” - PGS, TS Trần Ngọc Long đánh giá.
Thời điểm cách đây 80 năm, trong nước cũng lưu hành khá nhiều tờ báo cách mạng như tờ "Cờ Giải phóng” - cơ quan tuyên truyền cổ động Đông Dương do đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo; Tờ Cứu Quốc - cơ quan của Tổng Bộ Việt Minh; Tờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Minh ở Nam Kỳ... Tuy nhiên, việc ra đời tờ báo Tiếng súng reo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên nói riêng, cũng như cách mạng Việt Nam lúc bây giờ.
Theo PGS, TS Trần Ngọc Long, ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với việc ra đời tờ báo Tiếng súng reo là rất quan trọng: "Đại tướng là người hiểu sâu sắc, gần như lĩnh hội toàn bộ tinh thần, sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Đại tướng hiểu rõ công tác vũ trang tuyên truyền. Một trong những vũ khí sắc bén của công tác vũ trang tuyên truyền là công tác báo chí. Bên cạnh nhiệm vụ quân sự, huấn luyện ổn định biên chế của đội, thì Đại tướng đặc biệt coi trọng công tác chính trị. Một trong những nội dung chủ yếu là nhanh chóng có một tờ báo cho đội, một mặt là khuếch trương chiến thắng đầu tiên của đội, thứ hai là góp phần giáo dục quần chúng cách mạng Cao – Bắc – Lạng lúc bấy giờ. Phải nói là từ quyết định ra tờ Tiếng súng reo, cho đến việc lựa chọn người tổ chức tờ báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là linh hồn của Tờ Tiếng súng reo, một trong những tổ chức tiền thân của Tờ báo Quân đội Nhân dân sau này”.
Có lẽ, trong lịch sử quân sự thế giới, không có đội quân nào lại cho ra đời một tờ báo, cơ quan ngôn luận của mình sớm đến như vậy. Báo Tiếng súng reo ra đời để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Lực lượng vũ trang cách mạng: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “nó là đội quân tuyên truyền”, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc”... Sự ra đời của tờ “Tiếng súng reo” – vũ khí đặc biệt của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng 80 năm về trước.
Thu Hằng/VOV1