Để Đảng thực sự là Đảng cầm quyền, không làm thay chính quyền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa có bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".

 

Chuyên gia đưa ra nhận định công tác quan trọng, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt lên hàng đầu là "thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách.

Và để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra 4 công tác trọng tâm.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc vào sáng 18/9. (Ảnh: VGP)Đảng không bao biện làm thay chính quyền

Bàn luận về bài viết, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, một trong những công tác quan trọng, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt lên hàng đầu là "thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng".

Ông Phúc nêu thực tế, tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đã tồn tại khá lâu.

"Thực trạng này diễn ra từ thời bao cấp, Đảng lấn sân sang Nhà nước, cấp ủy làm thay công việc của chính quyền. Nhiều nơi nhân danh Đảng lãnh đạo toàn diện, Đảng cầm quyền nên Đảng chi phối hết. Tôi nhớ có trường hợp Bí thư Tỉnh ủy ký quyết định phân phối thóc giống, thuốc trừ sâu cho các huyện… như thế là làm không đúng chức năng cơ quan lãnh đạo của Đảng", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, Đảng có vai trò đề ra các quan điểm, đường lối, chủ trương lớn, còn chính quyền sẽ cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương đó bằng pháp luật và thực thi nó.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ, trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập rất rõ Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước.

Trong đó, người đứng đầu Đảng ta lý giải quyền lực của Đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực Nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật.

Ông Phúc phân tích thêm, Đảng quyết định những vấn đề đường lối chính trị, định hướng phát triển về mặt chính trị. Còn Nhà nước thực thi việc quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật, hệ thống pháp luật càng hoàn thiện thì quyền lực Nhà nước càng được đề cao.

"Đã nhắc đến quyền lực Nhà nước là nói đến pháp luật, tất cả các tổ chức và cá nhân phải tuân thủ pháp luật, kể cả các tổ chức Đảng và đảng viên như Điều 4 Hiến pháp đã quy định: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Những điều đó làm cho quyền lực Nhà nước được đề cao", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, thông qua bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã quán triệt công tác trọng tâm trước tiên là tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay, nhưng đồng thời cũng chống sự buông lỏng lãnh đạo của Đảng.

"Khi kiên quyết loại bỏ bao biện, làm thay thì các tổ chức Đảng sinh ra tâm lý lo ngại, sợ việc này có phải thuộc thẩm quyền của cấp ủy không, dẫn tới buông lỏng, giao khoán cho chính quyền. Đảng chỉ nêu định hướng lớn, không có kiểm tra, giám sát. Và để khắc phục điều đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập đến công tác kiểm tra, giám sát", ông Phúc nêu.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu "tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng".

Ông Nguyễn Trọng Phúc lý giải, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để các công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả. Đồng thời sớm phát hiện, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đi cùng với công tác kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ông Phúc cho rằng, điều này phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, nội dung này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập là sự kế thừa lý luận xuyên suốt của Đảng ta. Theo đó, trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu dựa vào Nhà nước và thông qua Nhà nước.

Đảng cầm quyền thông qua sự lãnh đạo các cơ quan công quyền chứ không tự mình biến thành Nhà nước, đứng trên Nhà nước hoặc làm thay Nhà nước. Về lý luận cũng như về nguyên tắc hoạt động thực tiễn, Đảng ta không phải là cơ quan công quyền và do đó, Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực công.

"Một nghị quyết của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư ký ban hành thì bắt buộc tất cả các tổ chức Đảng và hơn 5,4 triệu đảng viên chấp hành, nếu không chấp hành là vi phạm điều lệ Đảng. Nhưng nếu nghị quyết này được thể chế hóa thành luật do Quốc hội thông qua hoặc nghị định do Chính phủ ban hành thì tất cả các hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân phải chấp hành. Không chỉ hơn 5,4 triệu đảng viên mà hơn 100 triệu dân Việt Nam phải chấp hành", ông Hà phân tích.

Ông Hà cũng dẫn ví dụ hồi tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đến tháng 1/2024, Nghị quyết của Trung ương Đảng đã được cụ thể hóa khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Và sau đó là những nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật do Chính phủ ban hành.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)Đảng viên phải đúng vai, thuộc bài

Một công tác trọng tâm nữa cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ là "tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, vấn đề tinh gọn bộ máy đã được Đảng ta ra chủ trương thực hiện trong suốt quá trình cầm quyền.

Gần đây nhất, có thể kể đến Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Tinh giản bộ máy là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng nhưng thực tế thực hiện chưa thực sự có hiệu quả, cứ nói tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhưng càng nói thì càng phình ra. Phần lớn người giảm biên chế là đến tuổi hưu hoặc đưa ra chính sách để động viên cán bộ nghỉ hưu sớm", ông Phúc nêu thực tế.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, tinh gọn bộ máy phải là lựa chọn được những người giỏi trong bộ máy, đồng thời đưa ra khỏi bộ máy những người không có năng lực, không có trình độ. Chứ không phải giảm theo nghĩa cơ học, đến tuổi hưu thì nghỉ.

Lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quán triệt trước hết là trong các cơ quan của Đảng.

Bên cạnh đó, ông Phúc cho hay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập đến việc đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm "đúng vai, thuộc bài".

Theo đó, để cán bộ, đảng viên luôn "đúng vai, thuộc bài" thì từng cá nhân phải nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lãnh đạo, điều hành. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, phải có đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở lĩnh vực mình phụ trách.

Như vậy, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, "đúng vai, thuộc bài" là làm đúng chức năng, nhiệm vụ, chức trách, đúng quyền hạn, vị trí, vai trò, không làm thay việc của người khác, không lấn sân sang lĩnh vực của người khác, cơ quan khác. Đồng thời, phải nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, phải hiểu biết lĩnh vực mình được phân công...

"Nhìn rộng hơn, "đúng vai, thuộc bài" còn phải giữ vững các nguyên tắc và thực hiện một cách đúng đắn, không được vận dụng tùy tiện. Trong đó, yêu cầu về tính tập trung và dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phải đồng bộ, đúng quy định", vị chuyên gia nêu.

Cũng đề cập đến Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, thời điểm đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang giữ cương vị Bộ trưởng Công an. Bộ này đã làm quyết liệt và đạt được kết quả tốt trong công tác tinh giản bộ máy.

Theo đó, quán triệt và gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Công an đã đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

Tháng 8/2018, Bộ Công an công bố bỏ 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Sau đó, Bộ Công an sắp xếp thêm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động chuyển thành đơn vị tương đương cấp cục.

Từ đó, Bộ Công an đã xóa bỏ 6 tổng cục và 2 đơn vị tương đương tổng cục; 55 đơn vị cấp cục.

Ngoài ra, Bộ Công an còn cắt giảm 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; 7 trường (1 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 2 trường văn hóa); 1.014 đơn vị cấp phòng (cơ quan Bộ Công an giảm 316 phòng; công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các địa phương giảm 528 phòng, các học viện và trường giảm 170 phòng và trên 2.300 đơn vị cấp đội).

Cùng thời gian trên, Bộ Công an giảm hơn 30.000 biên chế, trong đó nghỉ hưu hơn 19.000 người, thôi phục vụ trước thời hạn 4.100 người, thực hiện chính sách tinh giản hơn 5.100 người, tinh giản theo nghị định của Chính phủ hơn 1.400 người.

"Đó được xem là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an. Tôi cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thực hiện tinh giản bộ máy của các cơ quan Đảng theo đúng tinh thần mà ông đã thực hiện khi đang giữ vai trò tư lệnh ngành Công an", ông Hà nhìn nhận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hôm 14/8. (Ảnh: TTXVN)Còn đối với nhiệm vụ "đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng" cũng được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định đây là lẽ tất yếu.

Các nghị quyết của Đảng phải thật sự ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhận thức và dễ thực hiện.

"Nội dung này chúng ta đã nhiều lần đề cập, nhưng một Hội nghị Trung ương vẫn ban hành mấy nghị quyết, ví dụ như Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ban hành 5 nghị quyết. Mỗi nghị quyết rất dài, rất khó, cán bộ lãnh đạo của các cấp chưa chắc đã nắm hết nghị quyết và nếu không nắm được thì khó mà điều hành, triển khai", ông Phúc nêu.

Vậy nên, theo ông Phúc, thời gian tới các nghị quyết của Đảng phải gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, dễ thể chế hóa thành pháp luật.

Anh Văn-Phương Đông/VTC News

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận