55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ - biến khát vọng thành mục tiêu trong tầm tay

  • 29/08/2024 04:26:18
  • Thu Thùy - Quang Tuấn
  • Chính trị
  • 0

55 năm trước, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố. Đây là một văn kiện lịch sử quan trọng, kết tinh trí tuệ, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

55 năm trước, ngày 9/9/1969, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố. Đây là một văn kiện lịch sử quan trọng, kết tinh trí tuệ, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những tư tưởng, căn dặn của Người về chăm lo cho gia đình chính sách, giảm thuế cho nông dân, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế… vẫn còn nguyên tính thời sự. Phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam trò chuyện với Phó Giáo sư. Tiến sĩ (PGS.TS) Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) - về giá trị của bản Di chúc là bảo vật Quốc gia này.

          Bản Di chúc mang giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc

          Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, ông có thể chia sẻ đánh giá về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

          Đầu tháng 9 năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đi vào cõi vĩnh hằng và 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Bản Di chúc lịch sử này Người đã chuẩn bị rất kỹ càng, sâu sắc và trong một thời gian rất dài, bắt đầu viết vào tháng 5/1965 và hoàn thành ngày 10/5/1969, đúng 4 năm. Cứ vào ngày 10/5 hằng năm, Bác dành thời gian từ 9h - 10h sáng viết di chúc và sửa di chúc. Năm 1967 thì Bác xem lại, không sửa. Năm 1968 Bác bổ sung một số ý rất cụ thể và đến năm 1969 thì hoàn thiện, để lại bản Di chúc lịch sử này.

          Bối cảnh lịch sử trong 4 năm Bác viết di chúc nổi lên một số đặc điểm nổi bật sau: Năm 1964 - 1965, Mỹ đưa 5 - 6 vạn quân Mỹ và chưa hầu ồ ạt vào miền Nam nước ta và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh thắng trận đầu, tiêu diệt không quân Mỹ. Ở miền Nam quân dân ta đã lập chiến công oanh liệt ở Núi Thành, Ấp Bắc, Vạn Tường, Play Me. Mùa xuân 1968, quân và dân ta ở miền Nam đã giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, đánh sập hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và chấp nhận yêu cầu của ta tiến hành đàm phán bốn bên tại Hội nghị Paris.

Bản Di chúc được Bác sửa nhiều lần trong suốt 4 năm 1965 - 1969

          Đây là thắng lợi được Bác dự báo trong Di chúc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người”. Bác khẳng định với niềm tin vững chắc rằng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Những nhận định và dự báo thiên tài này là những giá trị lịch sử, nguồn động viên cực kỳ to lớn sức mạnh của toàn dân, của 31 triệu người Việt Nam. 31 triệu người Việt Nam trở thành 31 triệu chiến sĩ anh dũng chiến thắng giặc Mỹ, tiến lên giành toàn thắng vào mùa xuân 1975 lịch sử: Tổ quốc được thống nhất, non sông liền một dải, đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà. Chỉ 6 năm sau, nhận định của Bác đã được hiện thực hóa hoàn toàn.

          Bác đã để lại những tư tưởng, căn dặn chúng ta phải xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, việc đầu tiên là phải tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh, cho phát triển đất nước. Cả kinh tế, văn hóa, đời sống nhân dân phải được cải thiện, được nâng lên.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người trước hết chính là cán bộ, đảng viên. Toàn Đảng đoàn kết, từng đảng viên phải trở thành người cán bộ tận tụy, trung thành của nhân dân, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

"Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" - Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Bác cũng căn dặn phải chăm lo cho những người đã hy sinh toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Từng thôn, từng xã, từng phố, từng thị trấn - đơn vị cơ sở đều phải có nghĩa trang, có vườn hoa, lập bảng “Tổ quốc ghi công” để cho đời đời con cháu được giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng của thế hệ cha ông. Bác căn dặn việc chữa trị cho thương binh, chăm sóc đời sống của gia đình thương binh liệt sĩ, lo đào tạo nghề cho bộ đội sau chiến tranh...

          Bác căn dặn phải giảm thuế cho nông dân, xây dựng kế hoạch cho phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa. Bác quan tâm nhất là thanh thiếu niên - tương lai của dân tộc. Bác căn dặn cần bồi dưỡng cho thế hệ kế tục sự nghiệp, coi đó là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Đảng. Tin tưởng thanh niên nhưng phải giáo dục, rèn luyện, đào tạo để sử dụng, phát huy thế hệ này trở thành lực lượng kế tục thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Những lời căn dặn trên đây của Người là kết tinh của những giá trị nhân văn, là chăm lo cho mọi con người và mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi con người, từ cán bộ, Đảng viên đến người nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên, phụ nữ…

          Di chúc của Bác tiếp tục soi sáng cho dân tộc ta, cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa sự nghiệp cách mạng đến cái đích cuối cùng là một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh và sánh vai với các nước trên thế giới. Cho nên có thể khẳng định rằng di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bảo vật quốc gia, trong đó chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử và giá trị văn hóa, nhân văn cực kỳ sâu sắc.

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn (ảnh tư liệu)

          Hiện thực hóa khát vọng

          Lần đầu tiên được nghe Di chúc của Bác, ông có cảm xúc như thế nào?

          Tôi đi bộ đội từ năm 1963, đến năm 1969, tôi là trung úy và được đi học lớp bồi dưỡng sĩ quan chính trị của Trường Sĩ quan Phòng không tại Sơn Tây. Tôi rất vinh dự được chọn vào lực lượng của quân chủng Phòng không - Không quân để chuẩn bị duyệt binh dịp Quốc khánh 2/9/1969. Chúng tôi luyện tập tại sân bay Tông, Sơn Tây. Thời gian đầu chúng tôi tập diễu hành theo từng khối. Đến khoảng ngày 25/8 thì chúng tôi được thông báo về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó nhiệm vụ thay đổi, chuyển sang tập đứng nhiều giờ trên sân bay.

          Cuối cùng lực lượng duyệt binh được vinh dự thay mặt lực lượng vũ trang dự lễ tang Bác tại Quảng trường Ba Đình. Là thành viên của khối lực lượng vũ trang dự lễ tang, chúng tôi được trực tiếp nghe đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc từng nội dung Di chúc của Bác và lời thề của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân - 5 nội dung rất quan trọng của Di chúc và 5 lời thề của Đảng ta, nhân dân ta đối với Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình năm 1969. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Được nghe đồng chí Bí thư thứ nhất của Đảng đọc những nội dung căn bản nhất của Di chúc, được cùng hàng chục vạn người dự lễ tang Bác Hồ hô vang 5 lời thề thực hiện bản Di chúc thiêng liêng ấy. Ngày hôm sau chúng tôi được đọc trực tiếp toàn văn bản Di chúc Bác hoàn thiện năm 1969. Đến ngày hôm nay, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc đau xót trước sự ra đi của Bác, cảm xúc bồi hồi, nghẹn ngào khi dự lễ tang Bác rồi được nghe Di chúc. Tất cả đều trào nước mắt, có người bật khóc. Nghe những điều Bác căn dặn thì thấy rằng mình phải thực sự thấm nhuần, phải biến những lời dặn của Bác thành tư tưởng và nhất định phải trở thành hành động trong thực hiện nhiệm vụ quân đội giao cho. Sau đó, chúng tôi đã đi tiếp cuộc chiến tranh, tham gia Chiến dịch Nam Lào, Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc. Trong giờ phút đau thương vô hạn, được nghe những tư tưởng của Bác, kiên định niềm tin quyết thắng và khắc sâu trong mình một quyết tâm không thể khác được là mình phải sống cho xứng đáng là con cháu của Bác và thực hiện bằng được những lời Bác dặn.

 

          Theo ông, đến nay, sau 55 năm, Di chúc của Bác đã được hiện thực hóa như thế nào?

          Phải nói một cách tự hào rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện xuất sắc Bả Di chúc thiêng liêng của Người. Chúng ta đã lập được một kỳ tích trong lịch sử thế kỷ XX là đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc đã sum họp một nhà, cả nước ta đi vào một kỷ nguyên mới, thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” - Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo khắc phục các hậu quả chiến tranh, đặc biệt là thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, đưa đất nước phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...Ngay sau năm 1975 đến Đại hội IV,  Đảng ta đã tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó có cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang thực hiện khát vọng chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bả sắc dân tộc và phát triển toàn diện con người Việt Nam.

          Về kinh tế, đang từ một nước thu nhập thấp, nghèo nàn, lạc hậu, đến nay nước ta thu nhập đạt đến mức trung bình thấp, trên 4000 USD/đầu người. Nước ta có quyền tự hào về thành tựu tiến bộ, công bằng xã hội như: xóa đói giảm nghèo, lao động việc làm, bảo hiểm y tế, chăm lo cho những người yếu thế…Về bình đẳng giới, Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong lĩnh vực này.

          Cái mục tiêu trước đây là khát vọng xa lắm, nhưng bây giờ sau 40 năm đổi mới, tiềm lực, uy tín, vị thế của đất nước đã có bước phát triển đáng tự hào thì có thể vững tin Nghị quyết lịch sử của Đại hội XIII là đến năm 2045 chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, tức là còn 20 năm nữa thì mục tiêu đó sẽ hoàn thành.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” - Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Đảng ta thực sự coi trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây là cơ bản, lâu dài; chống là quan trọng cấp bách. Toàn Đảng đang đẩy mạnh có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có kế hoạch, cam kết, tu dưỡng, rèn kuyện cụ thể trong từng thời gian, nhất là đề cao vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp.

        Toàn Đảng tiếp tục kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tư tưởng xử lý cán bộ đảng viên vi phạm tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý có lý, có tình, rất nghiêm minh và nhân văn. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt, đồng lòng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn chặt với phát triển kinh tế.

          Bác vẫn ở bên chúng ta

          Thưa ông, sau 55 năm còn những gì trong bản Di chúc mà chúng ta chưa thực hiện được như mong muốn của Người. Chúng ta cần làm gì để phát huy giá trị của bản Di chúc?

          Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ là cần nhiều thời gian, cần một cuộc tổng kết nhưng có thể thấy một số điểm. Thứ nhất, dù đạt được thành tích đáng tự hào nhưng những mặt hạn chế, yếu kém vẫn rất lớn. Di chúc của Bác nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái. Hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII mà đã kỷ luật hàng vạn đảng viên, hàng nghìn tổ chức Đảng. Đáng lo ngại hơn là hơn 20 đồng chí Ủy viên Trung ương, 7 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý. Vâng, rất đau xót, nhưng để thấy rằng chúng ta vẫn còn những việc làm chưa tốt. Xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ phải làm tốt hơn, quyết liệt hơn, nhất là khâu quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực.        

           Thứ hai, phần lớn doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Đầu tư công tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nhiều cán bộ vẫn rất lo ngại không muốn làm do sợ mắc sai lầm là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

          Bác nói là phải coi trọng phát triển 4 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngang nhau, nhưng thực tế phát triển kinh tế được coi trọng hơn, còn văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ còn nhiều điều cần suy ngẫm, đặc biệt là đào tạo nhân tài, phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Đây là điều rất đáng lo ngại. Muốn phát triển được đất nước nhanh, bền vững thì trước hết phải xây dựng và phát triển mạnh mẽ, sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức, đội ngũ nhân tài.

          Bác rất quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, hiện nay thực trạng phân hóa, phân cực giàu nghèo rất cần được thực sự quan tâm giải quyết. Bác luôn luôn nhắc nhở và làm gương trong nhiệm vụ trồng cây, bảo vệ môi trường. Trên thực tế chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập trong thực thi nhiệm vụ này.

          Để thực hiện có hiệu quả hơn Di chúc của Bác, chúng ta phải trở lại tinh thần của Đại hội VI: Trước hết phải đổi mới tư duy. Muốn đổi mới tư duy phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật, tức là đánh giá đúng bản chất, đúng quy luật, đúng phương hướng, đưa ra được định hướng để có những giải pháp đúng, chính sách đúng, cơ chế đúng, quyết tâm đúng, hành động quyết liệt và đồng bộ.

          Di chúc của Bác có ý nghĩa như thế nào đối với việc khơi dậy quyết tâm nỗ lực xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, thưa ông?

          Theo tôi nghĩ, khi đọc bản Di chúc, ai cũng cần ghi nhớ mong muốn cuối cùng của Bác, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Di chúc của Bác đã khơi dậy trong mỗi người khát vọng sống, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mong muốn đóng góp phần thiết thực của mình để xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, để đưa nước Việt Nam trở thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

          Chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng bản Di chúc cho từng người dân, từng cán bộ đảng viên. Cần thực hiện tốt cơ chế giám sát quyền lực, đặc biệt giám sát cán bộ có chức có quyền. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải thực sự là tấm gương trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Xin cảm ơn ông./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận