Dấu ấn Lê Đức Anh

Với lối sống giản dị gần gũi, năng lực lãnh đạo và tư duy chiến lược kiệt xuất, Đại tướng Lê Đức Anh xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Sinh tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng chí Lê Đức Anh tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Là tướng trận, ông là một trong số ít người đã trải qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc từ năm 1945 - 1989. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Kháng chiến chống Mỹ, đồng chí có mặt ở hầu hết các mặt trận Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Dấu ấn lớn nhất ở đồng chí Lê Đức Anh là người có tầm nhìn sâu về chiến lược, dự đoán trước được tình hình không để bị động.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, thủ trưởng của ông - Đại tướng Lê Đức Anh, đã có dự cảm chính xác về tình hình Campuchia. Lúc đó trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, ông Lê Đức Anh không cho bộ đội ra quân nhiều, đồng thời thành lập thêm một sư đoàn tinh nhuệ. Ông Trà nói: “Đồng chí Lê Đức Anh khi về thành lập Sư 30, chọn Trung đoàn đánh tốt trong thời kỳ chống Mỹ giữ lại không cho ra quân. Chính vì thế giữ được chất chiến đấu. Đến khi Pôn Pốt đánh thì Sư 30 đánh được ngay, đánh rất tốt, đánh hiệu quả. Cho nên, khi Pôn Pốt đánh thì Quân khu 9 không bị động và đánh ngay, giữ được biên giới. Đó là dấu ấn quan trọng của đồng chí Lê Đức Anh”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong chuyến thăm đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: TG cung cấpKhắp các chiến trường biên giới ác liệt, ở đâu cũng thấy sự có mặt và chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh. Do sát với chiến trường, trực tiếp hướng dẫn cách xử lý tình huống nên hạn chế thương vong cho bộ đội. Đáng chú ý, giải phóng biên giới Campuchia - Thái Lan, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp ra tuyến biên giới, chặn không cho Pôn Pốt từ Thái Lan tràn sang Campuchia, “khóa” được biên giới từ giai đoạn 1980 -1987.

Sau khi trực tiếp tham gia chỉ huy giải phóng miền Nam rồi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt…, với công lao đóng góp to lớn, đồng chí Lê Đức Anh được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước khóa 9 nhiệm kỳ 1992 - 1997. Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh phát huy năng lực, học hỏi và khiêm tốn để làm tròn trách nhiệm của Chủ tịch nước mà Hiến pháp quy định.

Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục là một trong những người đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Ông chính là một trong những người sát cánh cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo khác khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao.

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự, Quân Khu 7 khẳng định: Đồng chí Lê Đức Anh là 1 “kiến trúc sư” của việc triển khai các biện pháp chiến lược và chiến thuật trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Ông Hồ Sơn Đài cho biết:“Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Bộ Chính trị và thực hiện các động thái tiếp xúc với đồng bào người Hoa ở chợ lớn thành phố Hồ Chí Minh và sang Bắc Kinh nhiều lần để làm công việc chuẩn bị cho tiến trình tiến tới hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1991 và sau đó như vậy với Mỹ vào năm 1995”.

Trên cương vị Chủ tịch nước, một sáng kiến quan trọng của ông được nhân dân đón nhận, đó là sáng kiến phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Theo dõi và chứng kiến Đại tướng Lê Đức Anh trình bày trước Quốc hội về sáng kiến phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Đồng chí Lê Đức Anh xuất phát từ quân đội và có tình cảm nồng nàn với chiến sỹ quân đội, kể cả người dân, gia đình quân dân, đặc biệt là những bà mẹ có nhiều con hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Bởi thế, việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là một quyết định có ý nghĩa, làm náo nức lòng người, tạo tình cảm, sự gắn bó giữa quân đội và nhân dân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Chính sách đó trước đây thực hiện ở mức độ, nhưng chính thức trở thành văn bản pháp luật của Quốc hội thì có ý nghĩa khác. Chính là vai trò của đồng chí Lê Đức Anh trình với Quốc hội để có văn bản tầm cao mà Quốc hội thông qua. Đấy là việc làm có ý nghĩa và từ đó trở thành hiện tượng chính tắc về mặt pháp lý để chúng ta thực hiện và tất cả các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới, toàn nhân dân hiểu và thực hiện, làm cho dâng trào tình cảm với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” - ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Đánh giá về Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận định: "Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vốn là cán bộ chỉ huy quân đội, đã trải qua thực tế chiến đấu gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn ở Campuchia, nên ở đồng chí Lê Đức Anh, quan điểm giai cấp rất vững vàng và rõ ràng. Trong thời kỳ giữ cương vị Chủ tịch nước, để góp phần ổn định và phát triển kinh tế, vai trò Chủ tịch nước của anh Lê Đức Anh lúc này rất quan trọng".

99 năm tuổi đời, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết liệt và chí công vô tư - một nhà lãnh đạo mang phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

Vào khoảng năm 1965, khi ấy tôi là chiến sĩ thông tin của Sư đoàn 9, được gặp vị chỉ huy Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam trong một đợt hành quân tại địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Phước Long (cũ), nay là tỉnh Bình Phước. Tôi ấn tượng về một vị chỉ huy có giọng nói trầm ấm, truyền cảm và phong cách rất gần gũi, chân tình với chiến sĩ. Thời gian này dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Lê Đức Anh, đơn vị tôi tham gia đánh các trận như: Bình Giã, Đồng Xoài, Bù Đốp… Anh em cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 cũng như các đơn vị khác trên mặt trận đều rất tin tưởng và thực hiện tuyệt đối mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền.

Tôi biết ông Lê Đức Anh là một vị tướng tài. Ông ấy là người chỉ huy rất cương quyết. Đánh và giữ từng tấc đất ở miền Tây là ông ấy. Tính cách cương quyết của một thủ trưởng như ông ấy là biểu hiện một tinh thần chiến đấu kiên cường. Ông ấy đã hạ lệnh là không có cãi chỗ nào hết, không có tránh né gì hết, là đánh liền. Chính ý chí của người lãnh đạo rất kiên cường ấy mà những người lính chúng tôi rất khâm phục.

Đại tá Cao Văn Quý, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 177, Quân khu 7:

Là người chỉ huy cao nhất của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia - hay còn gọi là Tư lệnh Mặt trận Bốn Bảy Chín (479) trên đất bạn Campuchia, tôi nhận thấy ở vị Tư lệnh Lê Đức Anh một phong cách chỉ huy rất sát sao thực tế từng trận đánh. Tư lệnh Lê Đức Anh nghiên cứu rất kỹ những thông tin trinh sát, thông tin tình báo trên chiến trường. Tư lệnh triển khai các phương án tác chiến rất cụ thể, truyền đạt mệnh lệnh đến các cấp chỉ huy rất rõ ràng... nên đó là động lực để Trung đoàn 177 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tướng Lê Đức Anh đã dành nhiều tình cảm đối với anh em binh lính. Anh em rất thương mến ông Lê Đức Anh. Ông gắn bó với nhân dân, xây dựng chính quyền địa phương. Ông chỉ đạo rất sát sao, phong cách chỉ đạo, lãnh đạo, rồi công tác quần chúng… của ông Lê Đức Anh được thực hiện rất tốt, được nhân dân yêu mến.                     

Huy Sơn ghi

 


 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận