LTS: Năm 1992, Đại tướng Lê Đức Anh được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam Trương Cộng Hoà được lãnh đạo Đài cử làm phóng viên chuyên trách phản ánh các hoạt động của Chủ tịch nước. Báo TNVN giới thiệu bài viết của nhà báo Trương Cộng Hòa.
Khi “bác Sáu Nam” (tên thân mật thời ở quân khu 9 của đồng chí Lê Đức Anh) ốm nặng, phải vào nằm viện (đầu năm 2018), chúng tôi vào thăm, ông vẫn còn tỉnh táo. Anh em phóng viên đã từng phục vụ ông lần lượt đến chào, nắm tay ông chúc ông sớm bình phục và thầm mong có một điều kỳ diệu xảy ra, như hai lần trước ông đã bình phục sau khi bị xuất huyết não.
Nhưng lần này thì điều kỳ diệu đã không xảy ra. Đã chuẩn bị tâm thế, nhưng tin nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời vẫn làm chúng tôi thảng thốt.
Một người hoạt động thực tiễn
Bác Sáu Nam là một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Từ khi mới tham gia cách mạng cho đến khi làm Chủ tịch nước (tháng 9/1992), ông chủ yếu sống ở trong dân, sống cùng bộ đội. Nên đi sâu đi sát nắm tình hình thực tế, rút ra những bài học để đề ra những quyết sách đúng đắn là việc ông làm thường xuyên. Trên cương vị Chủ tịch nước, là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách an ninh - quốc phòng, ông thường xuyên đi cơ sở, gặp dân, gặp cán bộ đảng viên để nắm tình hình. Nghe nhiều hơn nói. Có nói thì cũng nói ngắn gọn dễ hiểu. Làm việc với cơ sở, ông thường bộc bạch: “Về chủ trương đường lối, đã có nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Các đồng chí ở cơ sở lâu năm, hiểu rõ vấn đề hơn tôi”.
Nhớ mãi một dịp đầu Xuân 1996, tới thăm Trường Sĩ quan Hải quân (Nha Trang), khi Bộ Tư lệnh Hải quân xin chỉ thị của Chủ tịch, ông chỉ nói ngắn gọn một câu: “Các đồng chí phải dạy cho Hải quân ta biết đánh lâu dài trên biển”. Không phải ông không được học tập bài bản về lý luận, mà cái chính là ông muốn dùng những lời lẽ đơn giản, dễ nhớ dễ làm. Về thăm đồng bào Tây Nam bộ, ông nhấn mạnh: Khu 9 không có rừng núi như Việt Bắc… Chính đồng bào ta là rừng núi chở che bộ đội, vây đánh quân thù.
Trong chuyến thăm Tây Nguyên cũng năm đó, ông đã chăm chú lắng nghe và cảm ơn một cán bộ cơ sở, người duy nhất nói với Chủ tịch: Tây Nguyên có vấn đề. Và từ phát biểu của người cán bộ này, ông đã phân tích thực trạng Tây Nguyên và nhắc nhở lãnh đạo Đảng và chính quyền ở khu vực cần phải cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Năm 1998, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông quay trở lại Tây Nam bộ, tìm hiểu về tình hình ruộng đất, về việc có một bộ phận dân chúng “cầm cố ruộng đất” để tiếp tục đi làm thuê. Vừa bình phục qua đợt xuất huyết não, ông vẫn tự mình đi cầu khỉ, ngồi xuồng đi đến những ngôi nhà ở sâu trong đồng, gặp dân để hỏi chuyện.
Sau này, khi sức khoẻ kém hơn, ông hay gặp chúng tôi hỏi thăm tình hình, coi các nhà báo là một kênh thông tin quan trọng.
Có hai việc chúng tôi nhớ mãi.
Việc thứ nhất: Cuối năm 1996, cơn bão số 5 đột ngột đổ vào duyên hải Tây Nam bộ làm hàng nghìn đồng bào ta bị chết và mất tích. Hôm đó vào chiều thứ bảy, nhóm nhà báo chúng tôi vào gặp ông tại nhà số 5A Hoàng Diệu (Hà Nội) nêu việc Nhà nước ta nên có một buổi lễ tưởng niệm đồng bào đã mất. Ông chăm chú nghe và gật đầu tán thành, nói sẽ trao đổi với Bộ Chính trị. Và đầu tuần sau, một buổi lễ như vậy đã được tổ chức tại hội trường Ba Đình.
Việc thứ hai: Khi xảy ra “bạo loạn” ở Tây Nguyên, có ý kiến không cho báo chí trong nước nói. Ngay tối hôm xảy ra sự việc, nhóm nhà báo chúng tôi vào gặp ông. Chúng tôi báo cáo với ông: Nếu không cho báo chí trong nước nói thì đồng bào sẽ nghe báo chí nước ngoài. Ta phải chủ động nói rõ vấn đề. Ông gật đầu tán thành và hôm sau, báo chí Việt Nam được cung cấp thông tin và chủ động giải thích sự kiện Tây Nguyên.
Sống giản dị theo gương Bác Hồ
Gần cả cuộc đời hoạt động cách mạng là một người lính Cụ Hồ, “giản dị” là tác phong sinh hoạt hằng ngày của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Trừ những lúc đi công tác, còn ngày lễ, ngày Tết ông thường mặc áo lính, đặc biệt là chiếc áo khoác ngoài ba túi màu xanh lá cây. Từ khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước cho đến khi qua đời, tại Hà Nội ông ở trong khu nhà công vụ 5A Hoàng Diệu. Hai ông bà ở trên gác hai. Bộ phận giúp việc ở tầng một. Nhiều năm liền chúng tôi qua lại, vẫn bộ bàn ghế cũ tiếp khách ở tầng hai, vẫn bộ đi-văng cũ ở tầng một. Hỏi thăm mấy cán bộ giúp việc, anh chị em bảo: Ông không cho thay cái mới.
Nhiều lần đi công tác, ông không có cảnh vệ. Ông bảo: Nhân dân là người bảo vệ tốt nhất. Chỉ vào chúng tôi, ông nói: Các chú này là cảnh vệ. Đi với ông vào thăm khu vực chiến trường xưa, nơi có thể còn bom mìn chưa nổ sót lại, chúng tôi thường đi vây quanh ông thành một vòng tròn, đề phòng ngộ nhỡ… Trong thời gian làm Chủ tịch nước, ông có một số chuyến công tác nước ngoài. Phóng viên báo chí nước sở tại (đặc biệt là các nước vùng Trung Đông), cũng như các hãng thông tấn lớn ngạc nhiên khi thấy những phút rảnh rỗi, vị Chủ tịch nước Việt Nam trò chuyện rất thân mật với những cán bộ giúp việc, trong đó có các nhà báo Việt Nam thường quây quần quanh ông.
Đầu tháng 11/1993, trong chuyến thăm Trung Quốc…, có một buổi sáng khi ông đã ngồi trong xe, theo đúng quy định, xe chạy. Thấy các phóng viên chưa xuống do thang máy trục trặc. Ông bảo: chờ. Sau này, một cán bộ lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trò chuyện với chúng tôi, nhận xét: Chủ tịch rất đại lượng…
Hằng năm, trừ những lúc đi công tác, chúng tôi thường đến thăm ông vào các dịp: Tết Nguyên đán, ngày 30/4, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày sinh của ông. Dịp Tết, ông thường bảo chúng tôi đưa cả gia đình con cái vào chơi. Khi con tôi được đi du học ở Nga, tôi dẫn cháu lên chào. Nhiều năm sau, một lần ông hỏi: Thằng bé về nước chưa? Khi được Đảng và Nhà nước cho thôi nhiệm vụ Chủ tịch nước, ông lần lượt đến thăm nhà từng phóng viên đã phục vụ ông trong suốt nhiệm kỳ và nhắc rằng mọi người hãy đến với ông luôn luôn. Năm 1998, khi tôi được cơ quan biệt phái vào công tác tại đồng bằng sông Cửu Long, có dịp vào Tây Nam bộ, ông cho người gọi và cho phép tôi tháp tùng trong suốt chuyến đi…
Ngày 30/9/2017, sắp vào dịp giỗ vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, tôi được tháp tùng ông lên thăm Đường Lâm và thắp hương tại lăng Ngô Quyền và đền thờ “Bố Cái đại vương” Phùng Hưng. Đây là lần thứ hai ông lên Đường Lâm, lần đầu khi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Tại lăng Ngô Quyền, ông trồng một cây bồ đề lấy giống từ Ấn Độ. Rồi ông vào thăm trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Đường Lâm, tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã một bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi bảo nhau ghi chép thật kỹ chuyến đi này và thầm nghĩ: Có lẽ đây và chuyến đi thăm cơ sở, đến với đồng bào, đồng chí lần cuối cùng của ông.
Đến hôm nay, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước - “bác Sáu Nam” đã từ trần. Chúng tôi nhớ đến ông là nhớ đến vị lãnh đạo giản dị nhưng sáng suốt, người đã cùng Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam phá thế phong toả của các thế lực thù địch, mang lại hoà bình, ổn định để thực hiện công cuộc đổi mới, chấn hưng đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Lê Đức Anh dành nhiều cảm tình với Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong chiến trường ác liệt, Đài TNVN là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, với cán bộ chiến sĩ nơi chiến trường. Ông đã hai lần đến thăm Đài tại Hà Nội. Và một lần đến thăm Đài phát sóng phát thanh VN2 tại khu vực Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ). Kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Đài TNVN, ông gửi thư thăm hỏi, động viên cán bộ phóng viên của Đài TNVN hoàn thành nhiệm vụ. |