Ngân hàng chính sách xã hội cần 'thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ'

Ngân hàng chính sách xã hội cần tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ngân hàng chính sách xã hội cần tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".

Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Hội nghị được tổ chức tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị có: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Đoàn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong 10 năm qua, Ngân hàng CSXH đã huy động tăng thêm 238.338 tỷ đồng tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, đưa tổng nguồn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%. 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đến nay đạt 47.350 tỷ đồng, tăng 43.542 tỷ đồng (gấp 12,4 lần) so với trước khi thực hiện Chỉ thị.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tiếp tục được triển khai rộng rãi đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước; giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, trong đó, đã tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thủ tướng chỉ rõ 6 mặt mạnh trong đó nhấn mạnh: "Các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội đã xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia quản lý, giám sát, triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân hàng Thế giới đánh giá là “đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Châu Á, là một trong số ít các mô hình thành công và bền vững trên thế giới. Hành trình phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho Chính phủ các nước đang phát triển khác".

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển KTXH của đất nước.

Thủ tướng yêu cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển KTXH của đất nước.

Thủ tướng chỉ rõ, thực tiễn đã chứng minh mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trong hơn 20 năm qua là phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện Nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác điều hành. Nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác/ủy nhiệm giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các Điểm giao dịch xã. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững; chủ động báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thủ tướng đề nghị các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội… Đặc biệt, với tinh thần “trung ương và địa phương cùng làm”, cần quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, trong đó 15.000 tỷ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.

Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

"Với phương châm hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tôi tin tưởng rằng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phát huy truyền thống, kết quả đạt được, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nỗ lực hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa, năm sau tốt hơn năm trước những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn của mình. Một lần nữa, thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới các đồng chí, các quý vị đại biểu và toàn thể cán bộ, người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công", Thủ tướng nói.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận