Hà Nội tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Theo kế hoạch, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để Đại hội đảng bộ...

 

Theo kế hoạch, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm bộ máy hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhất các nhiệm vụ đối với người dân.

Thực hiện Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 xã Hoà Lâm và Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội sẽ sáp nhập thành 1 đơn vị hành chính mới. Để việc sáp nhập xã diễn ra thuận lợi, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thời gian qua, huyện Ứng Hoà cũng như thành phố Hà Nội tập trung công tác tuyên truyền, tính toán sắp xếp số cán bộ dôi dư. Dù thời điểm thực hiện sáp nhập đã cận kề, nhưng tất cả cán bộ, công chức trong xã ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Anh Lê Xuân Tình, công chức tư pháp, hộ tịch xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa cho biết: "Anh em cán bộ công chức chúng tôi luôn làm hết trách nhiệm của mình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trên địa bàn".

Xác định sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, mở rộng không gian, tạo động lực phát triển cho các đơn vị được sắp xếp, ông Bùi Xuân Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa cho biết, mọi cán bộ công chức của xã vẫn luôn nêu cao tinh thần hết mình vì người dân.

"Cán bộ xã vẫn hoạt động bình thường, không có tâm lý gì về việc sáp nhập xã. Tinh thần của cán bộ là phục vụ nhân dân", ông Viên nói.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.Để chủ trương sáp nhập được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương trong diện sáp nhập khẩn trương rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản, trụ sở, các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở vật chất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương lớn này.

Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là việc lớn, có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sáp nhập. Vì vậy, ngay từ khi có chủ trương, nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo, công chức, đáp ứng công việc cho cán bộ, công chức một cách ổn định.

Liên quan đến việc có thay đổi một số thông tin trong giấy tờ tùy thân của người dân sau khi sắp xếp, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, vấn đề này đã được thành phố tính toán: "Ban chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan như sở tư pháp, công an hỗ trợ tối đa cho nhân dân, không thu lệ phí đối với thủ tục hành chính này".

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã. Trong giai đoạn 2023 - 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, các quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây.

Thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo sát sao các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là trí cán bộ, công chức, bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết số 35 để sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật trong giai đoạn mới.

Huy Nam/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận