Chiến trường xưa hoa nở

Sau 65 năm, 3 sở chỉ huy của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn hình ảnh hào hùng của một thời hoa lửa.

 

Đổi thay trên “chiếc nôi” của chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm ở lưng chừng thung lũng dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, chạy dọc bên con suối Nậm Hua xanh mát uốn lượn quanh những ô ruộng vuông vắn như bàn cờ, những nếp nhà sàn ngói đỏ của người dân bản Nôm, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đẹp như một bức tranh thủy mạc. Vùng đất này hơn 65 năm trước đã trở thành “chiếc nôi” của chiến dịch Trần Đình vang dội năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục trước ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Gần 65 năm đi qua, mảnh đất ấy đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên trong cuộc sống hòa bình.

Sau 65 năm chiến thắng, chiếc nôi của Chiến dịch Trần Đình đã trở nên trù phú, khang trang hơn. Ảnh: V.LTrở lại thăm di tích hang Thẩm Púa - điểm đặt sở chỉ huy đầu tiên của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ những ngày này, phóng tầm mắt nhìn từ cửa hang xuống thung lũng mới thấy hết được vẻ đẹp và những đổi thay của mảnh đất nơi đây. Trên lưng núi, những mái nhà sàn với cờ đỏ sao vàng đang tung bay kiêu hãnh trong gió. Dưới thung sâu, hàng trăm chiếc guồng xoay miệt mài dẫn dòng nước mát của suối Nậm Hua lên tưới cho từng thửa ruộng. Lúa đã mọc xanh mướt trên mỗi mét đất, khoảnh ruộng, báo hiệu một vụ mùa trù phú đang về.

Đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt và sự cởi mở, cụ Lường Văn Lẻ  ở bản Nôm nhớ lại những năm tháng thăng trầm trải qua của bản làng kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu đặt tại nơi đây. Cụ Lẻ xúc động: Thời điểm đó, ông cùng hàng trăm thanh niên, già trẻ, phụ nữ khác của bản Nôm và các bản lân cận một lòng nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước chống lại đế quốc xâm lược. Người hăng hái thồ gạo, người mang nước, người nấu cơm, tiếp tải đạn dược cho bộ đội chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, không ngại khó khăn. Từng tấc đất khi đó được tận dụng để trồng trọt, chăn nuôi, tạo nhu yếu phẩm nuôi quân, phục vụ cho bộ đội chiến đấu. Khi đó, ai cũng trong tâm thế hừng hực hăng say lao động sản xuất, toàn tâm phục vụ cho sự thành công của chiến dịch...

Hiện tại, bản Nôm có hơn 74 hộ, với khoảng 300 khẩu đang sinh sống quần tụ. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước xây dựng đường đi, công trình nước sạch, điện lưới, trường học, trạm y tế… diện mạo bản làng đã ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông nhấn mạnh: Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh nhiều mô hình sản xuất mới, đổi mới phát triển kinh tế theo hướng du lịch, phát huy những thế mạnh lịch sử của địa phương để giúp người dân có nhiều điều kiện, nguồn lực thoát nghèo bền vững.

Huổi He ngày ấy - bây giờ

Hang Huổi He là nơi được Bộ chỉ huy chiến dịch lựa chọn đặt làm Sở chỉ huy thứ hai trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Sở chỉ huy chiến dịch đã đóng tại đây trong thời gian 13 ngày (từ 18 - 30/1/1954). Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định sáng suốt và khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Những ngày này, rất đông du khách đến Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: V.LDi tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại hang Huổi He nằm cheo leo trên sườn núi, phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ trung tâm xã Nà Nhạn (gần quốc lộ 279) đến Huổi He hơn 4km, trong đó có hơn 2km đi bộ qua suối. Hiện những dấu tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Huổi He vẫn còn dễ nhận biết, xác định, như: vị trí lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán làm việc của tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, khu tập kết lương thực, khu vực bệnh viện...

Ngoài ra, tại xã Nà Nhạn còn có Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cụm di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ - 1 trong 10 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 1. Điểm nhấn của toàn bộ tuyến đường kéo pháo là cụm tượng đài dài 24m, rộng 8m, cao 12,5m, nặng 1.200 tấn, mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.

Ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Trải qua hơn 6 thập kỷ, vùng căn cứ địa cách mạng Nà Nhạn đã thay da đổi thịt, bản làng khởi sắc, ấm no. Người dân trên địa bàn đã thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, xây dựng quê hương. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế xã Nà Nhạn cũng có nhiều khởi sắc: năm 2017 có 500/1048 hộ đạt gia đình văn hóa; toàn xã có 5 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ I; y tế luôn chủ động, bám sát cơ sở để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là việc thực hiện tốt các chính sách liên quan đến trẻ em. Nà Nhạn là 1 trong 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới của Điện Biên trong năm 2018.

Rừng Mường Phăng vẫn ngát xanh

Nằm cách TP. Điện Biên Phủ hơn 30km, rừng Mường Phăng dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là địa danh gắn liền nhất với Chiến dịch Điện Biên Phủ và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu rừng này được Bộ chỉ huy chiến dịch chọn và xây dựng là sở chỉ huy chiến dịch cuối cùng của ta trong suốt 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Diện mạo nông thôn mới của căn cứ cách mạng Mường Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên hôm nay. Ảnh: V.LTrải qua 65 năm, Mường Phăng nay đã đổi thay, diện mạo nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Xã Mường Phăng có hơn 1.130 hộ với gần 5.250 nhân khẩu, thuộc cộng đồng các dân tộc Kinh, Thái, Mông… Đời sống của người dân được nâng lên từng ngày, thoát khỏi đói nghèo. Để khai thác, phát huy tiềm năng sẵn có, địa phương đã xây dựng, mở rộng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, ổn định, như mô hình nuôi cá, lợn rừng, nhím, hồng xiêm, mắc coọc, mận... Đến nay, xã Mường Phăng đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Được mệnh danh là “thủ phủ” về tiềm năng du lịch lịch sử, Mường Phăng có mật độ dày đặc các di tích thành phần thuộc Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ (di tích cấp quốc gia đặc biệt). Trên suốt chiều dài trục chính nối từ bản Bua- bản cửa ngõ vào lòng chảo Mường Phăng, chạy qua trung tâm xã là sự hiện hữu của các di tích Cụm tượng đài mừng công, Công viên Chiến thắng Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ngay ven con đường đã được quy hoạch và nhựa hóa. Xa hơn nữa, nằm trên đỉnh Pú Huốt (núi Sừng Trời) - đỉnh cao nhất của dãy núi Pú Đồn là nơi mà trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã chỉ đạo xây dựng, đặt Đài quan sát ở độ cao hơn 1.700m để quan sát, nắm bắt hình thái, tình hình chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh.

Những năm qua, du khách đến với Mường Phăng luôn tăng cao. Trong những dịp lễ lớn như 30/4, 1/5, đặc biệt là dịp 7/5 hằng năm, Mường Phăng đón khoảng 2.000 lượt du khách/ngày, chiếm tỷ trọng gần 50% khách du lịch đến với Điện Biên trong các ngày nghỉ lễ. Để thu hút khách du lịch, phát huy lợi thế tối đa các di tích lịch sử thuộc Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc các di tích đã được chính quyền địa phương, các ban, ngành quan tâm. Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh các điểm di tích luôn được chú trọng. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ cho du khách được phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Ban phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy túc trực thường xuyên ở các di tích.

Với những nỗ lực bảo tồn, phát huy các thế mạnh du lịch, tập trung  xây dựng quê hương vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến với Điện Biên.

“Giờ đây nhìn bản làng từng ngày đổi mới, cuộc sống được nâng lên, con cháu được học hành đầy đủ, tôi sung sướng lắm! Tôi sẽ tiếp tục răn dạy con cháu sống hòa thuận, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, học tập thật tốt để trở về xây dựng quê hương” - Cụ Lường Văn Lẻ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận