Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức với nghi thức Quốc tang.

 

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Ngày 25/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình tổ chức trọng thể Lễ viếng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân uỷ Trung ương Nguyễn Phú Trọng.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Ban Lễ tang gồm 35 thành viên do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban. Ban Tổ chức Lễ tang gồm 27 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng Ban.

Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn.Ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, Người Đảng viên Cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người bạn lớn của Nhân dân thế giới, người đã dành trọn vẹn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào Cộng sản Quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới.

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương Đồng chí, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng".

Trong sổ tang, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viết: "Trước anh linh Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc thời đại mới, chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Xin kính cẩn nghiêng mình biết ơn, học hỏi, noi gương và vĩnh biệt Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: Vô cùng tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, Nhân dân cả nước. Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí; nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ đi trước và Đồng chí đã lựa chọn. Trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này, xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.  Xin vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!

“Dù chờ viếng bao lâu chúng tôi cũng đợi'

Tại các điểm tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đông người dân Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành đã tề tựu về đây để được vào viếng Tổng Bí thư.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân làm thủ tục quét mã QR trên căn cước để chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệm, 85 tuổi, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông rất buồn. Sáng nay, ông Kiệm khoác bộ quân phục, rời nhà từ 5h, bắt xe đến nhà tang lễ để viếng nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc.

“Nghe tin Tổng Bí thư mất tôi buồn lắm! Mấy hôm nay tôi thao thức không ngủ được, chỉ mong đến ngày để viếng bác Trọng. Tôi rất kính trọng Tổng Bí thư bởi bác là người có tâm, có tầm, luôn quan tâm, đề cao lợi ích của Nhân dân”, ông Kiệm xúc động chia sẻ.

Dòng người đổ về mỗi lúc một đông, ai cũng mong chờ được vào viếng Tổng Bí thư lần cuối.Có mặt ở khu vực nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông từ 5h sáng, bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Tổng Bí thư ra đi, tôi và hàng triệu người dân Việt đều chung nỗi buồn. Tôi cùng một số người bạn có mặt từ sớm, chuẩn bị sẵn căn cước công dân, xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư lần cuối. Dù xếp hàng chờ bao lâu chúng tôi cũng đợi. Tổng Bí thư đã một đời hy sinh cho Nhân dân, chúng tôi có chờ vài tiếng cũng không sao".

"Tôi là Nguyễn Thị Lưu, sinh năm 1949, quê tôi ở An Lão, Hải Phòng. Tôi đi từ Hải Phòng lúc 3 giờ sáng.Trong lòng tôi những bác lãnh đạo có tâm như bác Trọng chúng tôi muốn đến thắp một nén tâm nhang để vĩnh việt bác lần cuối. Bác là người lãnh đạo vì dân vì nước. Chúng tôi có cuộc sống như ngày hôm nay là ơn Bác ơn Đảng chăm lo cho người cao tuổi".

"Em là Hằng, một người con miền Nam ra viếng Tổng Bí thư. Là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ra Hà Nội dịp này thăm bác, viếng bác, điều em cảm thấy quý giá nhất của bác là sự giản dị. Em sẽ học tập noi gương bác để thực hiện tốt những điều mà người đảng viên cần phải làm".

Nhiều người đã bật khóc.

Dòng người xếp hàng chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục nhiều hơn. Họ tới để cùng tưởng nhớ, tri ân một con người đáng kính; chiêm nghiệm và lan tỏa những điều mà ông đã làm và làm gương để các thế hệ tiếp nối sống một cuộc đời sao cho thật xứng đáng! 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận