Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang: "Phải có những người có quyền lực và dám làm thì Đảng mới có thể trong sạch. Đảng trong sạch thì mới vững mạnh. Người đứng đầu một chính Đảng muốn làm cho Đảng vững mạnh, thì trước hết Đảng phải trong sạch".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trao đổi với PV VOV.VN, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương) khẳng định tài năng, đạo đức và vai trò rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước, nhất là trong công cuộc làm trong sạch Đảng.
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc trao huân chương Sao Vàng đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Chính phủ Việt Nam tặng cho những người có cống hiến đặc biệt cho Đảng, cho Nhà nước và nhân dân. Nếu xếp loại huân chương của Việt Nam thì có lẽ không có huân chương nào hơn. Xếp sau là huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập…
Từ khá lâu rồi mới có một người được trao tặng huân chương Sao Vàng. Huân chương Sao Vàng được trao cho đồng chí Tổng Bí thư có ý nghĩa lớn. Đây là sự đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều năm ở gần, tôi cảm thấy đồng chí Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo tài giỏi. Ảnh hưởng của Tổng Bí thư đối với cá nhân tôi rất lớn. Tôi cảm thấy yên tâm và tự hào về những gì mình đang làm, những gì mình có thể cống hiến được.
Trong 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã để lại dấu ấn gì đối với vị thế, tiềm lực và cơ đồ của Việt Nam hiện nay?
Về mặt lý luận, có lẽ đây là nhà lãnh đạo nổi bật từ trước đến nay. Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, mặt lý luận của đồng chí Tổng Bí thư tôi thấy rất có sức thuyết phục.
Người đứng đầu một chính Đảng khác với người đứng đầu một Chính phủ ở chỗ phải có chiều sâu lý luận. Lý luận mang đến cho người ta niềm tin. “Không có lý luận thì không có niềm tin” - như Lê-nin nói.
Bản thân tôi là người phục vụ Tổng Bí thư, cũng có một số đóng góp nhất định và được Tổng Bí thư khen. Tôi đã dịch và hiệu đính khoảng 15 cuốn sách, chuyên về sách lý luận để Trung ương tham khảo. Tôi chỉ mong những quyển sách này giúp ích cho các đồng chí lãnh đạo. Đối với tôi, Tổng Bí thư vừa là một nhà lãnh đạo, vừa là một nhà lý luận, làm việc như một người nghiên cứu.
Thêm nữa, những vấn đề tồn tại trong Đảng, có những vấn đề như tham nhũng, tiêu cực. Kể từ ngày đồng chí Tổng Bí thư nhận nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì tình hình đã khác hẳn.
Phải có những người có quyền lực và dám làm thì Đảng mới có thể trong sạch. Đảng trong sạch thì mới vững mạnh. Người đứng đầu một chính Đảng muốn làm cho Đảng vững mạnh, thì trước hết Đảng phải trong sạch. Uy tín của Đảng ta lên cao, uy tín của đồng chí Tổng Bí thư lên cao cũng chính là giai đoạn làm trong sạch, xây dựng, củng cố Đảng.
Tổng Bí thư đã dẫn dắt Đảng đến bây giờ là gần 3 nhiệm kỳ. Nhìn lại 3 nhiệm kỳ đó, Đảng ta đã có những thay đổi rất nhiều. Công cuộc đổi mới đi tiếp để có được những thành tựu như bây giờ, phải nói công của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất lớn. Ta không phủ nhận những người đi trước, nhưng phải ghi nhận rằng công của đồng chí là duy trì được đà phát triển của Việt Nam.
Về đối ngoại, bản thân tôi làm trong lĩnh vực đối ngoại với Trung Quốc nên được Tổng Bí thư rất quan tâm. Đảng ta có chủ trương coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, xem đây là mối quan hệ ưu tiên hàng đầu. Tổng Bí thư cũng dặn dò chúng tôi nhiều lần về quan hệ với Trung Quốc cần như thế nào.
Điều này không chỉ nói bằng lời mà qua các chuyến thăm, tiếp đón lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ràng. Ta thấy trong 2 năm gần đây, có những hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành công. Trong đó có sự cống hiến của Tổng Bí thư trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào năm 2023 đóng góp rất lớn vào mối quan hệ giữa hai nước.
Về mặt lý luận, cuốn sách “Một số vấn đề về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” không chỉ được đón đọc ở Việt Nam mà khi được dịch ra tiếng nước ngoài, người Trung Quốc cũng đón nhận. Tôi biết chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá rất cao tác phẩm đó. Nên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 20, người đầu tiên mà đồng chí Tập Cận Bình muốn đón đến thăm là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không có một cuộc đón tiếp nào có thể so sánh với cuộc đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Nhìn về quan hệ Việt - Trung, chỉ có những ngày Chủ tịch Mao Trạch Đông đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có thể so sánh được.
Ông có ấn tượng thế nào về tài năng ngoại giao và những đóng góp của Tổng Bí thư đối với ngành ngoại giao?
Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, tôi được mời đến dự cuộc chiêu đãi của Tổng Bí thư. Sau khi bế mạc cuộc chiêu đãi đó, Tổng Bí thư nhìn thấy tôi và chủ động bắt tay, đánh giá về những đóng góp của tôi. Tôi cảm thấy rất xúc động về cử chỉ của Tổng Bí thư. Bác nói “Anh làm rất tốt, cứ tiếp tục phát huy nhé”. Tôi và Tổng Bí thư cũng đã nói chuyện khá lâu. Phải nói rằng, quan hệ Việt - Trung được như hôm nay có đóng góp rất lớn của Tổng Bí thư về mặt ngoại giao.
Ý tưởng “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư cũng được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao. Rồi việc uống trà giữa các lãnh đạo cũng vậy, uống trà ở Bắc Kinh như thế nào, ở Hà Nội như thế nào… Đó gọi là những cử chỉ ngoại giao, phải hiểu văn hóa của nhau.
Tổng Bí thư là một nhà văn hóa, viết rất nhiều lý luận về văn hóa, về sức mạnh của văn hóa. Chính vì hiểu văn hóa như vậy, nên Tổng Bí thư làm đối ngoại hết sức thành công.
Tôi rất may mắn khi từng được tháp tùng Tổng Bí thư sang Mỹ, khi đó ông Obama đang là Tổng thống. Nhờ chuyến công tác đó, tôi thấy được sự uyển chuyển nhẹ nhàng, rất tinh tế của Tổng Bí thư đã làm cho lãnh đạo Mỹ, kể cả các cố vấn của Tổng thống Mỹ khâm phục.
Sau này không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam và muốn gặp Tổng Bí thư. Có thể nói, những cống hiến của Tổng Bí thư là rất quan trọng.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, nguyên thủ của ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đến thăm Việt Nam và hội kiến Tổng Bí thư. Theo ông, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên như thế nào, trong đó có dấu ấn gì của Tổng Bí thư?
Quan hệ của chúng ta với các nước lớn được nâng lên tầm cao mới. Đây là điều mà ai cũng nhìn thấy. Do vậy, có nhiều chuyến thăm của nguyên thủ nước lớn sang thăm Việt Nam. Chắc chắn những chuyến thăm như vậy có liên quan đến việc tôn trọng người đứng đầu. Khi vị thế của đất nước đi lên thì phải nhờ sự lãnh đạo của Đảng, vạch ra đường lối đúng đắn. Trong sự lãnh đạo của Đảng thì người đứng đầu đóng góp quan trọng.
Bây giờ chúng ta tự hào rằng, với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta đều có đủ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là mục tiêu phấn đấu từ lâu và phải đến năm 2023, chúng ta mới đạt được. Như vậy, chứng tỏ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã đi lên rõ ràng.
Được biết ông đã có nhiều năm phục vụ, tháp tùng Tổng Bí thư. Trong đó có những kỷ niệm nào làm ông ấn tượng nhất?
Nếu nói về quen biết trong làm việc, tôi đã gặp Tổng Bí thư từ khi ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Như tôi nói, Trung Quốc đã có sự cải cách, mở cửa thành công. Do vậy, Đảng ta đã đi tìm nguyên nhân của sự thành công đó. Tôi là một trong những người đi tìm nguyên nhân của sự thành công về mặt lý luận. Tổng Bí thư lại là người rất quan tâm đến lý luận nên thường trao đổi với tôi.
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 2003, tôi đã tháp tùng và làm phiên dịch chính cho ông tại Hội thảo lý luận Việt – Trung ở Bắc Kinh. Sự kiện đó tổ chức ở Đại lễ đường nhân dân, nơi trang trọng nhất ở Trung Quốc. Sau đó có nhiều vấn đề Tổng Bí thư đã quay sang hỏi tôi. Tôi giải thích cho ông và ông rất yên tâm.
Tôi đã có nhiều chuyến công tác cùng Tổng Bí thư. Ngoài những chuyến công tác, thi thoảng ông cũng gọi tôi lên phòng, hỏi một số vấn đề. Thậm chí có những lúc họp Bộ Chính trị về những vấn đề liên quan thì tôi cũng được ngồi dự họp.
Có lần trong một cuộc họp, đồng chí Tổng Bí thư hỏi tôi: “Anh Quang xem Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc có gì khác nhau, khác nhau ở điểm nào, anh có thể nói vài câu?” Tôi đáp: “Nếu Tổng Bí thư hỏi câu này thì có lẽ tôi phải viết quyển sách, chứ vài câu thì không thể nói hết được ạ”.
Nói như vậy, nhưng nếu cho tôi vài phút thì tôi chỉ xin nói về một vấn đề. Đó là vấn đề phân kỳ của Chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta nói là: Đang trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở Trung Quốc thì khác, họ nói rằng hiện nay họ đang là Chủ nghĩa xã hội giai đoạn đầu. Như vậy, sau giai đoạn đầu sẽ có những giai đoạn tiếp theo. Tuy cách gọi khác nhau nhưng nội hàm của “quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội” và “Chủ nghĩa xã hội giai đoạn đầu” có những điểm giống nhau.
Tổng Bí thư là một người đặc biệt, không chỉ coi trọng về chức vị mà còn rất coi trọng về tri thức. Những người nào trong đầu có kiến thức gì thì ông đều biết và ông sẽ hỏi về cái đấy.
Ông cảm nhận như thế nào về con người, nhân cách của Tổng Bí thư?
Nhìn Tổng Bí thư thì nhân dân ta đều biết là con người rất hiền lành, rất trong sạch. Đã có nhiều câu chuyện người ta mang quà đến gặp ông nhưng ông chỉ bảo: Đừng quà cáp gì cả, không có chuyện ấy. Tổng Bí thư cũng quản lý chuyện gia đình, chuyện vợ con trong sạch đến mức chính những người thân trong gia đình phải khâm phục cách sống như vậy.
Đấy là nói về đạo đức, tự mình làm gương từ trong bản thân mình, từ trong gia đình mình để mọi người nhìn vào. Mình cũng đừng lấy mục tiêu cá nhân làm mục đích sống. Điều để lại cuối cùng là mình đã làm gì cho nhân loại, cho cuộc đời này.
Vâng, xin cảm ơn ông.
Theo VOV.VN