Bài viết của Đại sứ Vũ Quang Minh - Đại sứ Việt Nam tại Đức, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia và Anh Quốc, kiêm nhiệm Ireland- về những kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh đạo Việt Nam giành được sự kính trọng đặc biệt của lãnh đạo các cường quốc.
Sau khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đại sứ Vũ Quang Minh - Đại sứ Việt Nam tại Đức, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia và Anh Quốc, kiêm nhiệm Ireland đã có bài mà Đại sứ dùng từ "xin đăng lại một vài kỷ niệm sâu sắc" với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà trước đây đã được biên tập và đăng tải, nhưng hôm nay đăng bản gốc, không sửa đổi, để tưởng nhớ Ông (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - PV), và một số hình ảnh các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư mà Đại sứ có vinh dự được tháp tùng.
Xin Ông yên nghỉ!
Trong cuộc đời ngoại giao của mình cho tới nay, tôi có may mắn và vinh dự hai lần đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước sở tại, nơi tôi là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam. Đó là chuyến thăm chính thức Anh Quốc từ 21 - 24/01/2013 với tư cách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và chuyến thăm lịch sử cấp Nhà nước tới Vương Quốc Campuchia từ 25 - 26/02/2019, với tư cách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trước đó, tháng 7/2017, tôi cũng được vinh dự tháp tùng Tổng Bí thư thăm chính thức Campuchia.
Cả ba chuyến thăm đều có ý nghĩa đặc biệt trong việc đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam, Anh Quốc và Vương quốc Campuchia lên một tầm cao mới.
Nhưng không chỉ như thế, ba chuyến thăm lịch sử này còn cho tôi được tận mắt chứng kiến và tự hào về một vị lãnh đạo tối cao của Việt Nam đã giành được sự yêu mến và kính trọng thực sự của lãnh đạo và nhân dân các nước, đồng thời hết sức bình dị và gần gũi với cán bộ và người dân, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên.
1. Chuyến thăm Chính thức Vương Quốc Anh:
“Tôi hết sức kinh ngạc và ấn tượng khi thấy giữa tôi - lãnh đạo một nước tư bản chủ nghĩa, đứng đầu một Đảng bảo thủ lâu đời của Châu Âu, và Lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại có thể tìm thấy và chia sẻ được nhiều điểm chung đến thế, cả về mặt các giá trị lẫn những mối quan tâm và lợi ích then chốt”, David Cameron, Thủ tướng Anh, Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, chia sẻ với Hoàng gia Anh và Ngoại giao Đoàn về cuộc gặp và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa tôi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, kể từ phút đầu tiên ông đặt chân tới London chiều tối muộn hơn 10 năm trước, hôm 21/01/2013.
Tôi còn nhớ rõ, đó là một ngày mùa đông khá lạnh của London. Ông vừa qua một chặng công tác khá dài và thời tiết cũng không kém khắc nghiệp của mùa đông Châu Âu, sau khi thăm Bỉ, Liên minh Châu Âu, Vatican và Italia từ 17 - 21/01/2013 với chương trình hoạt động cực kỳ bận rộn và căng thẳng.
Khi máy bay hạ cánh, các cán bộ tháp tùng cho tôi biết, Tổng Bí thư có lẽ bị cảm lạnh và khá mệt, vì vậy đề nghị tôi thay đổi chương trình, không mời Ông tới gặp bà con Việt Kiều tại Trụ sở Đại sứ quán như dự kiến, mà cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên chính thức thay mặt gặp, còn tôi thì đưa Tổng Bí thư thẳng từ sân bay về khách sạn để ông có chút thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho ba ngày kín chương trình ở Anh Quốc.
Chuyến thăm thực sự rất quan trọng và đặc biệt với cả hai nước, bởi đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư một Đảng Cộng sản đang cầm quyền thăm Anh Quốc - một nước tư bản lâu đời nhất, đồng minh gần gũi nhất với Hoa Kỳ, đồng thời đánh dấu 4 cột mốc quan trọng: 40 năm ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Anh Quốc, 20 năm hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam, 20 năm Bộ Phát triển Quốc tế Anh hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, và đặc biệt là ba năm thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Trên xe, tôi tranh thủ báo cáo Ông tình hình quan hệ hai nước và một số điểm chính trong chương trình chuyến thăm.
Khi tới gần khách sạn, đột nhiên ông bảo: “Minh ơi, anh em có báo cáo anh là hôm nay hơi muộn, trời lại trở lạnh, Sứ quán cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống sưởi không tốt, sợ anh có thể bị lạnh nếu vào gặp bà con, ảnh hưởng chương trình chính thức ba hôm tới. Tuy vậy, từ nãy đến giờ anh vẫn áy náy lắm, đã hẹn bà con mà phút chót lại không giữ lời, thì anh về nghỉ cũng không yên tâm. Anh vẫn muốn gặp gỡ bà con, một lát thôi cũng được. Đại sứ thấy thế nào?”.
Không thể tả được niềm vui của bà con Việt Kiều khi bất ngờ Tổng Bí thư xuất hiện (chỉ sau vài phút được nghe thông báo thất vọng là Ông không tới dự được). Đó là một cuộc hội ngộ ấm áp và đầy tình đồng bào với những cảm xúc tôi chưa từng chứng kiến.
Tổng Bí thư nói, "Tôi hơi bị lạnh, nhưng tới đây với bà con, ấm áp xúc động lắm, khỏe hẳn lại rồi!".
Một điều rất đặc biệt nữa, là Ông sẵn lòng đồng ý trả lời phỏng vấn của báo chí ngay tại cuộc gặp đầy xúc cảm này, mặc dù chúng tôi chưa kịp xin ý kiến trước. Và không chỉ báo chí Việt Nam thường trú tại London hay các nhà báo tháp tùng, mà cả BBC Việt Ngữ có mặt tại buổi gặp mặt. Tôi còn nhớ, đó là một câu hỏi của BBC về cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa Tổng Bí thư và Giáo hoàng trong chuyến thăm Italia và Vatican trước khi tới London.
“Chúng tôi đã nói với nhau về tinh thần Ki-tô giáo chân chính, sống tốt đời, đẹp đạo”, Ông nói với BBC. Và BBC Việt Ngữ đã đưa toàn văn, không sửa, không “cân bằng” hay “bình luận” gì thêm.
Việc thu xếp chuyến thăm Anh Quốc của Tổng Bí thư còn có rất nhiều câu chuyện thú vị, vì tính chất đặc biệt của nó. Do Nữ hoàng Anh đã cam kết đón 3 nguyên thủ quốc gia theo nghi lễ Cấp Nhà nước trong năm 2013, Bà dù rất muốn nhưng cũng không thể chính thức tiếp đón Tổng Bí thư ta.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư đã rất vui lòng khi tôi báo cáo, thưa Anh, mặc dù vì lý do khách quan lễ tân, Nữ hoàng hiện tại của Anh Quốc không chính thức đón Anh được, nhưng Bà đã cử vị Vua tương lai của Anh Quốc, Thái tử Charles, thay mặt Hoàng Gia tiếp đón Tổng Bí thư. Tổng Bí thư thực sự là một vị lãnh đạo thông tuệ và không câu nệ lễ nghi quá.
Tất nhiên, Anh Quốc đã dành cho Tổng Bí thư một sự đón tiếp hết sức trọng thị, với lời mời chính thức của Thủ tướng David Cameron và hội đàm với Tổng Bí thư, Thái tử Charles tiếp đón Tổng Bí thư tại tư dinh, Chủ tịch Quốc hội hội kiến, và Ngoại trưởng thay mặt chính phủ tổ chức chiêu đãi đoàn.
Không ngờ, 10 năm sau, câu nói vui đó của tôi mới trở thành sự thật với Lễ Đăng quang của Vua Charles Đệ tam tháng 5/2023 vừa qua.
Một điều thú vị bất ngờ nữa, là sau nhiều tháng, tôi và phu nhân được mời tham dự một quốc yến của Nữ hoàng Anh tổ chức trong Điện Buckingham. Thủ tướng Anh David Cameron đang đứng trò chuyện với các thành viên Hoàng Gia, nội các và ngoại giao đoàn, thấy chúng tôi thì kéo vào và bảo tất cả mọi người: "Tôi đang kể về quan hệ với Việt Nam đây, các ngài có biết không, tôi vẫn còn hết sức ấn tượng với chuyến thăm của ngài Nguyễn Phú Trọng. Tôi rất kinh ngạc khi thấy giữa tôi – lãnh đạo một nước tư bản chủ nghĩa, đứng đầu một Đảng bảo thủ lâu đời của Châu Âu, và Lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại có thể tìm thấy và chia sẻ được nhiều điểm chung đến thế cả về mặt các giá trị lẫn những mối quan tâm và lợi ích then chốt. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện rất thân mật và bổ ích. Chúng ta thật sự là hai đối tác chiến lược đáng tin cậy của nhau".
Trên xe, trên đường đưa Tổng Bí thư ra sân bay, Ông hỏi tôi, cá nhân em có điều gì anh có thể hỗ trợ được không. Tôi trả lời, thưa Tổng Bí thư, mọi việc của cá nhân em và gia đình đều ổn, em không có đề đạt gì. Nếu được, em chỉ xin anh quan tâm về vị trí của Trụ sở Bộ Ngoại giao nếu đặt tại Mỹ Đình thì hơi bất tiện vì xa các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Ngay ở Anh, Tổng Bí thư có thể thấy, Văn phòng Ngoại trưởng chỉ cách Văn phòng Thủ tướng hai bước chân, đi qua một cái sân nhỏ.
Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe và tỏ ra rất quan tâm tới tâm tư này của tôi, mặc dù có thể một cán bộ đang công tác xa nhà như tôi chưa thật sự cập nhật và hiểu hết tình hình trong nước. Nghe xong, ông bảo, "anh thấy em báo cáo có lý. Nhưng tại sao không một lãnh đạo nào nêu đề nghị này. Em báo cáo về Bộ Ngoại giao đi, nếu Bộ chính thức kiến nghị, anh sẽ ủng hộ".
Nếu còn điều gì mà tôi băn khoăn, thì đó là chúng tôi đã có một món quà quá giản dị tặng Ông. Thường thì chúng tôi sẽ tìm một món quà đặc trưng của sở tại tặng kỷ niệm lãnh đạo ta, không mang giá trị tài chính vật chất, nhưng có tính biểu tượng để kỷ niệm. Tuy vậy, khi tham khảo ý kiến trợ lý của Ông là anh Vũ Dũng, anh cho biết, Ông đang đi một đôi giày rất cũ, đế mòn, và khó chống được cái lạnh của Châu Âu. Nếu tiện thì Sứ quán tặng Ông một đôi giày đủ ấm và có đế cao su không trơn trượt để đi ngay trong chuyến thăm.
2. Hai chuyến thăm chính thức và Cấp Nhà nước tới Vương Quốc Campuchia:
Đúng 6 năm sau, tháng 2/2019, tôi lại được vinh dự đón Ông thăm Cấp Nhà nước Vương Quốc Campuchia, lần này với tư cách đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, theo lời mời của Quốc vương Norodom Sihamoni. Đây là một trong hai chuyến thăm Cấp Nhà nước duy nhất cho tới nay mà Tổng Bí thư thăm với hai trọng trách trong một, chuyến thăm thứ hai là tới Lào, ngay trước chuyến thăm Campuchia này.
Đây cũng là một chuyến thăm đặc biệt thành công về mọi góc độ và Quốc vương, Hoàng Mẫu hậu, Thủ tướng Hun Sen và các lãnh đạo cấp cao Vương Quốc Campuchia, các vị Tăng thống cùng nhân dân Campuchia đã dành sự đón tiếp tình cảm, chân thành và trọng thị nhất cho Ông và đoàn.
Đặc biệt, với Bản Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia được hai bên thống nhất công bố dịp này, quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc đã được đưa lên một tầm cao mới.
Tôi cũng rất cảm động và biết ơn Ông, trong suốt chuyến đi hết sức bận rộn và đầy ắp các hoạt động chính thức, Ông luôn canh cánh về vị thế pháp lý và cuộc sống của người dân gốc Việt tại Campuchia. Ông đã thấu hiểu và ủng hộ mạnh mẽ một loạt các kiến nghị mạnh dạn mang tính cách mạng của Đại sứ quán liên quan chính sách của Việt Nam và sự hỗ trợ dành cho cộng đồng người Việt ở Campuchia, đặc biệt trong đó có việc chuyển trọng tâm từ dạy tiếng Việt sang dạy tiếng Khmer cho bà con và lớp trẻ để có thể sớm hội nhập thành công vào xã hội sở tại, đồng thời tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp, không sống dựa vào thiên nhiên sông nước.
Cũng như 6 năm trước ở London, Ông vẫn quan tâm lắng nghe các đề đạt của cán bộ, đảng viên. Khi tôi nói, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bọn em rất hạnh phúc khi được đón Anh lần đầu tiên với tư cách vừa là Chủ tịch nước, vừa là Tổng Bí thư. Chuyến thăm Cấp Nhà nước này của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, như vậy thực sự là một cột mốc lịch sử và mở ra một trang mới không chỉ đối với quan hệ gắn bó mang tính chiến lược giữa hai nước mà còn cả đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế nói riêng.
Ông cũng rất vui, ân cần nắm tay tôi rồi bảo, hệ thống của ta có một số đặc thù em ạ, các quyết sách quan trọng đều được cân nhắc kỹ mọi mặt, tùy tình hình thực tế ở mỗi thời điểm, trên cơ sở đoàn kết và thống nhất theo phân công của Đảng, và luôn luôn theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể.
Ngoài công việc, một kỷ niệm sâu sắc nữa với tôi liên quan Campuchia và Tổng Bí thư, là khi tôi được tháp tùng Ông trong chuyến thăm Chính thức của Tổng Bí thư tới Campuchia tháng 7/2017. Tại Sihanoukville, khi chuẩn bị phòng để tổ chức buổi gặp mặt của Tổng Bí thư với anh chị em công tác tại Tổng Lãnh sự quán và bà con, Tổng Bí thư đến sớm khi anh chị em còn đang kê dọn. Bất ngờ, Ông đi vào phòng và bắt tay khênh bàn ghế cùng chúng tôi trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Chúng tôi vẫn nói với nhau khi nhớ tới kỷ niệm không thể quên này, là mong rằng còn thật nhiều dịp được cùng Ông xắn tay kê bàn ghế cho những buổi trò chuyện ấm cúng và thân tình như trong một gia đình./.
Theo VOV.VN