Trong những năm qua, nhiều công trình, dự án viện trợ của Việt Nam dành cho Lào trong phát triển nông nghiệp bền vững tại nhiều địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa của Lào đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và giúp người dân Lào xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Xaysomboun là một tỉnh miền núi ở khu vực Trung Lào, được thành lập từ cuối năm 2013 nên hệ thống cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các công trình kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khiến đời sống, sinh kế của người dân nơi đây còn bấp bênh.
Được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, Dự án xây dựng 04 hệ thống thủy lợi tại huyện Anouvong và Thathom thuộc tỉnh Xaysomboun được triển khai từ cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 159 tỷ Việt Nam đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành, đảm bảo công năng tưới ổn định giúp bà con tiến hành sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
Phát biểu tại lễ bàn giao công trình mới đây, ông Phoykham Houngboungnuang, Tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun cho biết: "Dự án đi vào hoạt động sẽ phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa nhằm từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương".
Huyện Nongbok nằm ở phía Nam tỉnh Khammuane có địa hình thấp, chủ yếu là đồng bằng nên thường bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập lụt. Vì vậy, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 3.900 héc ta canh tác 2 vụ/năm và hơn 15.000 héc ta trồng được 1 vụ/năm. Tuy nhiên, người dân nơi đây có đức tính cần cù, chăm chỉ lao động, sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo nhu cầu cho địa phương, mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận. Ngoài ra, một số sản phẩm như gạo, bột sắn cùng một số loại rau củ khác cũng được xuất khẩu sang một số nước.
Để giúp huyện Nongbok tăng năng xuất nông nghiệp từ canh tác 1 vụ/năm lên thành 2 vụ/năm và đáp ứng nguyện vọng của người nông dân tăng thêm thu nhập, Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi tại huyện Nongbok do Chính phủ Việt Nam viện trợ đang được triển khai. Dự kiến, sau khi hoàn thành, công trình thủy lợi này có thể cung cấp nước tưới tiêu trên diện tích hơn 500 héc ta, giúp 863 hộ gia đình gia tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp.
Phấn khởi khi dự án đang được triển khai, ông Uthon Thavinolachack, Phó Chủ tịch huyện Nongbok cho biết: "Đây cũng là mong mỏi của bà con nhân dân trong nhiều năm qua bởi chúng tôi chưa đủ điều kiện triển khai. Dự án sẽ góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào - Việt Nam".
Bên cạnh những dự án giúp các địa phương của Lào về xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, công ty của Việt Nam đang làm ăn tại một số tỉnh thành của Lào cũng có những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm giúp người dân Lào phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
Năm 2023 vừa qua, Công ty Hợp tác Quốc tế 705 thuộc Quân khu 2, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hỗ trợ Sở Nông Lâm tỉnh Oudomxay 10 tấn thóc giống có tổng trị giá khoảng 430 triệu Việt Nam đồng. Đây đều là những giống lúa đã được trồng thành công ở Việt Nam với năng suất 7 tấn/1ha.
Ông Khamphone Lamay, Giám đốc Sở Nông Lâm tỉnh Oudomxay cho biết: "Số lúa giống mà Quân khu II của Việt Nam chọn cho chúng tôi là những giống tốt, nếu phù hợp với thổ nhưỡng địa phương sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực, giúp tăng sản lượng đủ để sản xuất thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và có thể còn xuất khẩu trong tương lai".
Đánh giá hiệu quả từ các dự án hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Lào đã được triển khai, ông Viengsavanh Vilayphone, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam cho biết: "Việt Nam hỗ trợ Lào trong việc nghiên cứu, triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp, xúc tiến đẩy mạnh hợp tác - đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch và quản lý bền vững. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung tăng cường hợp tác về chuyên gia nông lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn giữa các địa phương vùng biên giới của hai nước".
Theo Uỷ Ban hợp tác Lào - Việt Nam, việc thi công xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đúng theo thiết kế đã phát huy tối đa về công năng, giúp bà con tiến hành sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, từng bước xoá đói giảm nghèo, đồng thời cải tạo môi trường sinh thái trong vùng theo chiều hướng tích cực, qua đó thể hiện quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
Trần Tuấn, Hồ Hải/VOV-Vientiane