Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12 đến 13/7/2024.
“Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm lần này là một dấu mốc để củng cố, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia” - đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.
PV: Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ Việt Nam - Campuchia?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 -24/6/2024) với một loạt các hoạt động đậm tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm lần này diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước. Điều này một lần nữa khẳng định về chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố, phát triển mối quan hệ với các quốc gia láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia.
Trong thời gian qua, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược, định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển.
Trên tinh thần đó, tôi cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm lần này đến Vương quốc Campuchia có một ý nghĩa hết sức quan trọng và sâu sắc. Đây sẽ là dấu mốc để củng cố, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia theo phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài, bảo đảm duy trì và giữ vững tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia mãi mãi trường tồn.
PV: Đại sứ có thể cho biết các trọng tâm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Trong khuôn khổ hai ngày, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm tại Campuchia sẽ có một số hoạt động chính: Hội kiến với Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, hội kiến với Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen và có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sodary và cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Thông qua những cuộc hội kiến này thì các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ trao đổi sâu đậm về mối quan hệ song phương, đánh giá về mối quan hệ hữu nghị trong thời gian qua, cũng như hiện tại và những biện pháp làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước còn có một số hoạt động rất đáng chú ý, như: Cuộc gặp gỡ với Hội cựu sinh viên Campuchia đã học tập tại Việt Nam, cuộc gặp gỡ với sinh viên trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh. Hai hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa tính hữu nghị cũng như quan hệ giữa nhân dân hai nước.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam -Campuchia hiện nay và trong tương lai?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Campuchia trong những năm vừa qua đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực và gắn liền với các sự kiện quan trọng của hai nước. Bên cạnh việc duy trì, phát huy quan hệ chính trị tốt đẹp làm nền tảng và nòng cốt để định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng: ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và hai bên đã phối hợp thực hiện tốt các Nghị định, thỏa thuận và kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia.
Thông qua đó, hai bên cũng thường xuyên thực hiện việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để phối hợp ngăn chặn và vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc chống phá hai nước cũng như quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực đối ngoại cũng được thắt chặt và phối hợp chặt chẽ với nhau trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Có thể nói, quan hệ trên lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng như đối ngoại trong thời gian vừa qua đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để hai nước Việt Nam - Campuchia cùng phát triển.
Về lĩnh vực kinh tế, trong thời gian gần đây, hợp tác kinh tế giữa hai nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, Việt Nam có 208 dự án còn hiệu lực và với vốn đầu tư gần 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, Campuchia cũng có 35 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 75,76 triệu USD đang đầu tư tại Việt Nam.
Trong mấy năm vừa qua, chúng ta thấy kim ngạch thương mại hai chiều có nhiều bước phát triển ngoạn mục. Ví dụ: Năm 2020 kim ngạch song phương hai bên đạt 5,32 tỉ USD, năm 2021 đạt 9,53 tỉ USD và năm 2022 thì có bước tăng trưởng đột phá, đạt kim ngạch thương mại hai chiều 10,5 tỉ USD, năm 2023 tuy chịu tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng mà kim ngạch giữa hai nước vẫn giữ được mức cao, đạt 8,57 tỉ USD và 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 4,6 tỉ USD.
Chúng ta rất kỳ vọng năm 2024 kim ngạch thương mại hai nước sẽ trở lại mốc 10 tỉ USD trở lên và từ đó nó sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà hai Thủ tướng đã thỏa thuận gần đây trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet, đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mốc 20 tỉ USD trong thời gian tới.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế,… cũng có những bước chuyển biến thực chất. Đặc biệt, hai bên rất coi trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo, coi đây là yếu tố chiến lược để bảo đảm việc duy trì, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân hai nước cũng ngày càng đi vào chiều sâu. Các tỉnh giáp biên giới với nhau cũng có những hợp tác rất chặt chẽ, đặc biệt về kinh tế, về xây dựng cơ sở hạ tầng, về triển khai các dịch vụ y tế phục vụ người dân ở khu vực biên giới và phối hợp cùng với nhau ngăn chặn các tội phạm xuyên biên giới, bảo đảm an ninh, an toàn cho các vùng biển của hai nước.
Về cơ hội sắp tới, tôi cho rằng là cơ hội trong quan hệ giữa hai nước cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là về kinh tế. Chúng ta thấy, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống thì Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ VII này cũng đã ban hành một loạt các chính sách mới để tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển kinh tế của Campuchia thì đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng để tăng cường đầu tư vào thị trường Campuchia.
Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống thì chúng ta có thể đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như: Công nghệ xanh, công nghiệp chế biến xuất khẩu, công nghệ cao,… Đây là những lĩnh vực mà bạn cũng đang hết sức quan tâm và cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất chú trọng để phát triển, để theo kịp với xu thế của khu vực cũng như của thế giới.
Ngoài ra, hai bên cũng cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong các cơ chế đa phương mà Việt Nam và Campuchia tham gia để chúng ta tận dụng các cơ hội có thể hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia với các đối tác nhằm phát triển kinh tế. Cùng với đó, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi những lĩnh vực tiềm năng khác mà hai bên có thế mạnh để có thể bổ sung cho nhau, làm cho quan hệ kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả, trở thành động lực mới cho quan hệ hai nước.
Tôi cho rằng với sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì tôi tin tưởng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới sẽ có những bước mở rộng và ngày càng hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu chung mà hai nước đã đề ra, đó là trở thành nước có thu nhập trung bình cao của năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045 đối với Việt Nam và 2050 đối với Campuchia.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
Văn Đỗ-Tuấn Anh/VOV-Phnom Penh