Báo cáo nhân quyền của HRMI về Việt Nam dựa trên cơ sở nào?

Việc tổ chức Tổ chức HRMI đánh giá người dân Việt Nam không an toàn trước Nhà nước là xuyên tạc, quy chụp và có dụng ý xấu.

 

Vừa qua Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền (HRMI) có trụ sở tại New Zealand đã công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu năm 2024. Dựa trên 3 tiêu chí là chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền, HRMI đã tự biên, tự diễn trò chấm điểm, xếp hạng các chỉ số nhân quyền đối với Việt Nam. Tổ chức này đánh giá rằng, người dân Việt nam không an toàn trước Nhà nước và nhận định rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi. Vậy những “phán xét” của HRMI về tình hình nhân quyền của Viêt Nam dựa trên cơ sở nào và có giá trị pháp lý gì không?

(Ảnh minh họa).

Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) do một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách và nhân quyền thành lập năm 2016 tại New Zealand. Tổ chức này ra đời nhằm mục đích đo lường các quyền con người được xác định trong Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới. Tổ chức này công bố, năm 2023, đã khảo sát 45 quốc gia dựa trên phiếu khảo sát và thông tin thu thập được từ các nhà hoạt động nhân quyền. Có điều là không hiểu tổ chức này đã thực hiện khảo sát ở Việt Nam khi nào? Khảo sát bằng cách nào để có được những số liệu, đánh giá, xếp hạng chỉ số nhân quyền ở Việt Nam.

Họ không đến Việt Nam, không đối thoại, tiếp xúc với các cơ quan chức năng, với người dân ở các vùng miền đất nước, không chứng kiến trực tiếp đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở Việt Nam. Thông tin mà họ thu thập được chủ yếu từ những đối tượng, thành phần bất mãn, chống đối Nhà nước Việt Nam.

Ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, những báo cáo kiểu như vậy không có giá trị pháp lý.

“Anh đánh giá, nhận xét tình hình quyền con người của một quốc gia phải rất đầy đủ, thỏa đáng và khách quan. Nó phải dựa vào những cam kết của nước đó trước Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, thì mới là chuẩn xác và thỏa đáng, đầy đủ. Chứ nói chung chung, tình hình “tồi tệ” “u ám”, “tình hình rất đáng buồn”. Nói chung chung như thế thì không có giá trị, vơ đũa cả nắm”, ông Nghiêm nêu quan điểm.

HRMI đưa ra đánh giá: “Ở Việt Nam, một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tôn giáo, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội thấp”.

Trên cơ sở báo cáo của tổ chức HRMI đưa ra, nhiều đối tượng chống phá Việt Nam đã tát nước theo mưa, tung hô cho rằng, tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi, trong đó các quyền tự do dân sự và tự do chính trị bị “xâm hại”. Cần khẳng định rõ hơn và nhất quán quan điểm, là ở Việt Nam và bất kỳ một quốc gia nào cũng vậy, không một Nhà nước, một Chính phủ nào cổ suý cho hành vi vi phạm pháp luật, mọi công dân đều phải chấp hành pháp luật, nếu vi phạm, tất yếu sẽ bị xử lý. Vì thế không thể và không bao giờ có thứ tự do vô hạn độ.

Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phân tích: “Một là, không có thứ tự do vô hạn độ. Điều thứ hai, bất kỳ sự tự do nào, cá nhân nào vượt lên trên tự do cộng đồng, xâm hại đến tự do của quốc gia, hành động đó sẽ bị khắc chế bởi kỷ cương của quốc gia, dân tộc đó. Nhìn bao quát ta thấy, tất cả sự tự do vô hạn độ của bất kỳ cá nhân hay quốc gia dân tộc nào mà xâm phạm lợi ích của toàn nhân loại, dứt khoát sẽ bị đào thải, dứt khoát sẽ bị ngăn chặn, và dứt khoát sẽ bị trừng trị”.

Cũng cần nói thêm rằng, báo cáo, đánh giá về nhân quyền chỉ có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc mới cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình thực trạng nhân quyền tại mỗi quốc gia, bao gồm cả những tiến bộ đạt được và những thách thức còn tồn tại. Và báo cáo của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng không có tính ràng buộc.

Do vậy, tất cả những báo cáo của các tổ chức, quốc gia về nhân quyền đều chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị pháp lý và không phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Cũng do đó mà báo cáo của Tổ chức sáng kiến đánh giá nhân quyền HRMI cũng chỉ là những thông tin, những quan điểm mang tính phiến diện, một chiếu, không đúng thực tế những gì đang diễn ở Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã cung cấp đủ lương thực cho gần 100 triệu dân và có thừa để xuất khẩu. Nhiều mục tiêu mà Việt Nam cam kết, ký kết với Liên Hợp Quốc được thực thi và về đích trước thời hạn.

Thượng tá Trịnh Xuân Việt, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: “Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và chúng ta đã về đích trước gần 10 năm so với thời hạn. Điều này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và cho rằng, đây là một hình mẫu giảm nghèo có hiệu quả”.

Mới đây nhất, chuyên trang du lịch Travel Off Path của Mỹ đã ca ngợi Việt Nam là quốc gia an toàn nhất để ghé thăm ở Châu Á. Tạp chí Time Out của Anh xếp Việt Nam là điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho phụ nữ du lịch 1 mình. Việt Nam là môi trường sống an toàn cho người dân và du khách.

Từ những thông tin trên cho thấy, việc tổ chức Tổ chức HRMI đánh giá, người dân Việt nam không an toàn trước Nhà nước là xuyên tạc, quy chụp và có dụng ý xấu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hùng Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam cũng luôn quan tâm hoàn thiện về luật pháp và triển khai các chương trình hành động để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nhiều sáng kiến của Việt Nam được cộng đồng quốc tế học tập và đánh giá cao.

“Hiện nay, Viện Nghiên cứu quyền con người chúng tôi phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học. Và như vậy để nói rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm rất lớn đến quyền con người, đưa nội dung giáo dục quyền con người vào toàn bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân là một điểm sáng trên thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có chương trình như thế này”, TS Hải cho hay./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận