Để giải bài toán này, sắp tới Thành phố sẽ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chịu tác động thêm từ 1,5 - 2 lần so với quy định của Trung ương, để các địa phương có đủ căn cứ xem xét giải quyết các đối tượng dôi dư.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, thành phố Hải Phòng giảm 50 đơn vị cấp xã; dôi dư 1.147 người. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng đã đề cập lời giải cho bài toán này.
Thành phố xây dựng 4 Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
PV: Thưa ông Lê Anh Quân, thời điểm này, 56 tỉnh thành phố trên cả nước đang quyết liệt triển khai Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tại thành phố Hải Phòng, việc sắp xếp đơn vị hành chính đang được tiến hành ra sao?
Ông Lê Anh Quân: Hải Phòng là thành phố đô thị loại I cấp Quốc gia, có diện tích tự nhiên 1.526,43km2, dân số hơn 2,4 triệu người; có 15 quận, huyện (7 quận, 8 huyện, trong đó có 02 huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ) với 217 xã, phường, thị trấn. Thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Thành phố đã triển khai xây dựng 4 Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố, gồm: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hải Phòng; Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa quận Hải An và huyện Thủy Nguyên; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương và quận Hồng Bàng; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập quận An Dương; Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp, thành lập các phường thuộc quận Hồng Bàng.
Với 4 Đề án trên, thành phố sẽ thực hiện sắp xếp 82 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị; đồng thời thực hiện sắp xếp, điều chỉnh 3 đơn vị hành chính cấp huyện: (1) thành lập thành phố Thủy Nguyên (nâng cấp từ huyện Thủy Nguyên) trực thuộc thành phố Hải Phòng, (2) thành lập quận An Dương (nâng cấp từ huyện An Dương) và (3) điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng. Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị cấp huyện (8 quận, 6 huyện và 1 thành phố); 167 ĐVHC cấp xã, giảm 50 đơn vị cấp xã (chiếm 23%) và là 1 trong 3 địa phương có số giảm lớn nhất cả nước sau Hà Nội và Nghệ An (96 đơn vị cấp xã).
Các Đề án đến nay đã hoàn thành đảm bảo các quy trình, thủ tục theo quy định và đã trình Bộ Nội vụ trước ngày 30/6/2024 đảm bảo tiến độ. Dự kiến sẽ trình Chính phủ, Ủy ban TVQH thông qua trong tháng 10/2024, để các địa phương cấp xã triển khai Đề án nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ vào Quý I/2025.
Vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức
PV: Thưa ông, với việc giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã thì khối lượng cán bộ dôi dư là rất lớn. “Tâm tư của cán bộ” là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất. Ai đi - ai ở, ai nghỉ - ai làm? Chế độ chính sách thế nào cho thỏa đáng. Vậy thành phố Hải Phòng có bước đi cụ thể nào để giải bài toán này?
Ông Lê Anh Quân: Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Hải Phòng sẽ dôi dư 1.147 người (gồm: 840 cán bộ, công chức cấp xã và 307 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).
Theo quy định, lộ trình giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC đảm bảo chậm nhất sau 60 tháng (5 năm) kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban TVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng này là vấn đề hết sức quan trọng, do vậy trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố đã có các bước chuẩn bị hết sức chủ động, bài bản.
Theo đó, từ cuối năm 2023, thành phố đã dự phòng 158 biên chế công chức cấp xã tăng thêm theo tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên để phân bổ cho các địa phương sau khi hoàn thành sắp xếp. Chỉ đạo các địa phương tạm dừng ngay việc bầu cử cán bộ và tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức tại địa phương thuộc diện sắp xếp; trường hợp đặc biệt hoặc cần thiết phải báo cáo thành phố trước khi thực hiện. Hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, xây dựng Phương án bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư như: tiếp nhận vào công chức cấp huyện, viên chức các đơn vị sự nghiệp hoặc bố trí sang các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chịu tác động do sắp xếp theo hướng thành phố Hải Phòng sẽ hỗ trợ thêm từ 1,5 - 2 lần so với quy định của Trung ương, để các địa phương có đủ căn cứ xem xét giải quyết các đối tượng dôi dư.
Căn cứ các quy định và chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã xây dựng Phương án cụ thể để sắp xếp đối với 1.147 đối tượng dôi dư như: Cho nghỉ công tác đến nhiệm kỳ mới: 50 người; Chuyển sang công chức đối với cán bộ cấp xã: 141 người; Tinh giản biên chế hoặc thôi việc: 547 người (152 cán bộ cấp xã, 122 công chức cấp xã và 273 người hoạt động không chuyên trách); Bố trí sang địa phương khác đối với 284 người (45 cán bộ cấp xã, 205 công chức cấp xã và 34 người hoạt động không chuyên trách) và phương án khác đối với 125 người.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; vận động, thuyết phục các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ động nghỉ công tác để nêu gương, dành cơ hội cho người trẻ hơn; đồng thời, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ kinh phí, chính sách cho các đối tượng dôi dư, tạo điều kiện giúp các đối tượng này ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác.
PV: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã liên quan đến con người, cần phải tiến hành rất thận trọng. Vấn đề đặt ra là vai trò cấp ủy, người đứng đầu địa phương của thành phố Hải Phòng chuẩn bị như thế nào để chủ động thực hiện hiệu quả, thưa ông?
Ông Lê Anh Quân: Theo Nghị quyết 35 của Ủy ban TVQH ban hành Nghị quyết có đưa ra 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó nguyên tắc đầu tiên là “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”.
Do vậy, vai trò của cấp ủy và người đứng đầu các địa phương của Hải Phòng cũng được xác định là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, có tính quyết định trong quá trình thực hiện sắp xếp.
Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24 để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy chính quyền địa phương một số vấn đề trọng tâm: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các quy định của Trung ương, thành phố. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Xác định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2023-2030, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời kết quả thực hiện nhiệm vụ này là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quyết liệt trong thời gian qua, cấp ủy và người đứng đầu các địa phương của thành phố Hải Phòng đã chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả đã được thể hiện ở việc tạo được sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, không có đơn thư kiến nghị, phản ánh, tố cáo liên quan đến việc thực hiện sắp xếp, đặc biệt là kết quả lấy ý kiến cử tri đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao từ 97,82% trở lên, đặc biệt có địa phương đạt tuyệt đối 100%.
Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp là tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách
PV: Việc sắp xếp đơn vị hành chính mục tiêu không chỉ giảm đầu mối, giảm biên chế mà còn phải hướng tới mục tiêu an dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Anh Quân: Trên tinh thần chỉ đạo từ trung ương đến địa phương khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải chú trọng đến việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Từ đó, hoàn thành mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp là tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các cơ quan, đơn vị được kiện toàn, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao đời sống và phục vụ tốt nhất cho người dân.
Để chủ động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai ngay các nội dung về sắp xếp ĐVHC sau khi Nghị quyết của Ủy ban TVQH về sắp xếp, thành lập và điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hải Phòng có hiệu lực thi hành, Hải Phòng chủ động xây dựng dự thảo các Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính để khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết có thể triển khai ngay.
Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (dự kiến tổ chức giữa tháng 7/2024) Hội đồng nhân dân thành phố sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết miễn, giảm một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân thành phố trên địa bàn thành phố liên quan tới việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Đồng thời qua thực tế triển khai sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Ủy ban TVQH ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính thì việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức và cá nhân đều hết sức thuận lợi, không có nhiều vướng mắc khó khăn. Vấn đề quan trọng ở đây là phải làm tốt công tác tuyên truyền để tổ chức và cá nhân nắm rõ được các quy định trên; đồng thời khi tổ chức và cá nhân đến liên hệ để chuyển đổi các loại giấy tờ thì các cơ quan có thẩm quyền có liên quan phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Không gian phát triển mới cho Hải Phòng
PV: Ông kỳ vọng gì về không gian phát triển mới của thành phố Hải Phòng?
Ông Lê Anh Quân: Sau khi Ủy ban TVQH thông qua Nghị quyết về sắp xếp, thành lập và điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hải Phòng; Hải Phòng có 2 đơn vị cấp huyện được nâng cấp từ đơn vị hành chính nông thôn nên đơn vị hành chính đô thị (huyện Thủy Nguyên nên thành phố Thủy Nguyên, huyện An Dương thành quận An Dương) và mở rộng không gian quận Hồng Bàng từ 14,42 km2 nên 39,77 km2, đồng thời số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm đi 50 từ 217 xuống còn 167 đơn vị.
Như vậy, việc thành lập thành phố Thủy Nguyên, quận An Dương và mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp lại cấp xã đảm bảo cơ bản các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định (hạn chế manh mún như trước đây) sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố; đồng thời, góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng xứng tầm với vị thế của đô thị loại I cấp quốc gia, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 45, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 108 của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành lập thành phố Thủy Nguyên (trên cơ sở toàn bộ diện tích huyện Thủy Nguyên và phần điều chỉnh địa giới hành chính quận Hải An và huyện Thủy Nguyên tại khu vực đảo Vũ Yên) với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, cùng với việc trung tâm hành chính của thành phố Hải Phòng sẽ chuyển về và hoạt động ổn định trên địa bàn huyện vào đầu năm 2025 sẽ tạo ra động lực thúc đẩy mang tính chất đột phá để Thủy Nguyên sớm trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng và là hạt nhân thúc đẩy Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn, động lực phát triển của cả nước, là thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực và và quốc tế.
Thành lập quận An Dương nhằm thiết lập bộ máy chính quyền phù hợp, thực hiện tốt hơn nữa các chức năng về quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Đồng thời, khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý như: quản lý công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Điều chỉnh mở rộng quận Hồng Bàng là bước đi phù hợp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Cởi bỏ chiếc áo đô thị chật chội, không gian phát triển của quận được mở rộng giúp giảm áp lực về cơ sở hạ tầng cũng như mật độ dân số lên khu vực nội thị hiện hữu. Tạo tiền đề phát triển Hồng Bàng thành đô thị thương mại, dịch vụ xanh, văn minh, hiện đại; giữ vững vị thế, vai trò quận đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo VOV.VN