Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Trách nhiệm, hiệu quả và hoàn thành công tác nhân sự

Hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như công tác nhân sự.

 

Sau gần 1 tháng với nhiều nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khép lại vào ngày 28/6. Nhiều kết quả nổi bật như công tác nhân sự, trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề được cử tri cả nước đánh giá cao. Điều này đã củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng cũng như tính khả thi, hiệu quả trong công tác lập pháp gắn sát với thực tiễn cuộc sống...

Hoàn thành công tác nhân sự

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự. Với việc xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Đại tướng Tô Lâm.

Quốc hội đã bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026; ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại Hội trường Diên Hồng, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đã tuyên thệ “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Đánh giá về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đoàn Hải Dương cho rằng, đây là một kỳ họp với bộn bề công việc nhưng chất lượng rất cao về công tác nhân sự. Có những nội dung về công tác nhân sự đã được dự kiến trước trong chương trình kỳ họp nhưng cũng có những nội dung phải bổ sung vào chương trình. Quốc hội đã làm việc hết sức khẩn trương, thận trọng, khách quan và khoa học nên các nội dung về công tác nhân sự hoàn thành rất tốt đẹp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương:

Điểm nổi bật của kỳ họp Quốc hội 7 là đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, có thể nói là khối lượng công việc lớn nhất từ xưa tới nay trong tất cả các lĩnh vực. Thứ hai là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như công tác nhân sự. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng tâm thế bình tĩnh và sự đồng lòng của Chính phủ, của Quốc hội cũng như của toàn bộ nhân dân và cử tri nên đến thời điểm này Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của thế giới và khu vực. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi thấy rất tự hào bởi Quốc hội đã đóng góp một vai trò rất lớn trong việc đồng hành cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế xã hội.

Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm một Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an. Kỳ họp lần này của Quốc hội cũng đã bầu bổ sung một Phó Chủ tịch Quốc hội và một Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chất vấn sát với thực tế

Trong 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch. Các nhóm vấn đề chất vấn đã được lựa chọn kỹ lưỡng, ví dụ như đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nội dung chất vấn tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Hay lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo…

Tại các phiên chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận. Tư lệnh của 4 ngành liên quan đến các lĩnh vực trên cùng Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng đã giải đáp cơ bản các vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội nêu. Các đại biểu đã tập trung vào những nhóm ngành, nhóm nội dung được lựa chọn, đã đặt ra những câu hỏi rất thẳng thắn, cụ thể. Các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm thông qua việc chuẩn bị báo cáo gửi cho các đại biểu Quốc hội trước đó cả tuần, thậm chí trước kỳ họp, trong kỳ họp đều cập nhật cụ thể. Có bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu tiên trả lời nhưng cũng rất tự tin.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Đoàn TP Hải Phòng:

Có thể nói Kỳ họp thứ 7 này có một khối lượng công việc cực kỳ lớn, đa dạng về chủ đề cũng như những vấn đề cấp bách, nóng hổi của thực tiễn đất nước. Chương trình cuộc họp cũng thay đổi một vài lần để đáp ứng được tình hình thực tiễn và tranh thủ giảm thiểu những cuộc họp bất thường. Cho nên đây là Kỳ họp mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo hết sức linh hoạt để hướng tới là trong mọi trường hợp thì chất lượng các quyết sách của Quốc hội được ưu tiên hàng đầu.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn TP Hồ Chí Minh đánh giá, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đi vào trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội điều hành linh hoạt. Bốn lĩnh vực được chọn trong kỳ chất vấn lần này đều là những vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận quan tâm. Câu hỏi chất vấn các đại biểu đặt ra cho 4 Bộ trưởng đều bám sát thực tế, nhiều vấn đề đại biểu đặt ra đã có tác dụng tích cực về mặt xã hội.

Các Bộ trưởng đã trả lời đi vào đúng trọng tâm mong muốn của đại biểu, làm rõ vấn đề. Phiên chất vấn vì vậy như một lần nữa nhắc nhớ các Bộ trưởng trong việc thực thi chức trách nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân,đoàn TP.HCM:

Tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất thẳng thắn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương. Từ đó giúp chúng ta có thể ứng phó linh hoạt với những biến động bất thường trên thế giới. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ là một động lực tăng trưởng. Chúng ta cũng mạnh dạn thí điểm các chính sách đặc thù cho các địa phương, cụ thể đã có 8 Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương và gần đây chúng ta đã hoàn thiện thêm, phân cấp, phân quyền theo tinh thần Nghị quyết 98 mà Quốc hội dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó nhân rộng ra cho Đà Nẵng, Nghệ An và tới đây sẽ là Luật Thủ đô sửa đổi.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp kéo theo hàng loạt các hệ lụy về giải quyết việc làm, thu ngân sách nhà nước. Lần đầu tiên trong 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong bốn tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Từ đó, các đại biểu đặt vấn đề phục hồi kinh tế chất lượng như thế nào và những chính sách để kích thích, để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị phân tích làm rõ để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng, nuôi dưỡng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Cần quan tâm một cách thực chất đến chất lượng, sức khỏe của doanh nghiệp đủ để chống chọi với biến động của thị trường thế giới, thay vì chạy theo phát triển số lượng.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận