Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) bày tỏ quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online. Bà băn khoăn khi quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi, giờ lại tính tới bán thuốc online thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý.
“Ở trên không gian mạng, theo tôi thấy, các nội dung của dự thảo luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”, đại biểu nói.
Đại biểu đề nghị tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trí Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) đề nghị phải xem xét kỹ vấn đề này.
"Thuốc online chỉ được phép kinh doanh những thuốc không kê đơn, và phải lập một trang web hoặc một cái app gì đó chính thống để quản lý được. Còn bây giờ nếu mở ra hết cho kinh doanh thuốc online thì rất nguy hiểm, kể cả trong vận chuyển, tráo đổi thuốc, điều kiện, nhiệt độ, hóa chất, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị", ông Thức lưu ý.
Đề cập Điều 79 về quảng cáo thuốc, ông Nguyễn Trí Thức cho rằng trên cả phương tiện truyền thông chính thống vẫn có những quảng cáo nói quá sự thật, nói lố hơn tác dụng thật.
"Tôi đề nghị những nội dung này phải được Sở Y tế, Bộ Y tế cho phép hoặc xem trước, kiểm nghiệm trước khi được truyền thông, quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng", địa biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng lưu ý cân nhắc việc chuyển từ tiền kiể sang hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng.
“Hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập; nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Đại biểu đặt câu hỏi, thực hiện chế độ tiền kiểm mà vẫn đang còn vướng, khó quản lý như vậy thì liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm có thể thực hiện quản lý tốt được hay không? Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm.
Đại biểu nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không.
“Vì vậy, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn" - nữ đại biểu nhấn mạnh và đề nghị quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.
Phi Long/VOV.VN