Việc cho phép thành lập văn phòng công chứng do một thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên...
Đề xuất bổ sung tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân
Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Nhiều ý kiến của các ĐBQH quan tâm đến mô hình tổ chức của văn phòng công chứng.
Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.
Tuy nhiên, theo đại biểu quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là phù hợp.
Một mặt, vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.
Ngoài ra, hiện nay đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực công chứng viên;
Đồng thời, nguồn thu để đảm bảo hoặc duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất khó.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng.
"Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân", ông Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này.
Bởi, thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của Văn phòng công chứng.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ quan tâm tới nội dung về mô hình công chứng. Đại biểu đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.
Về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Đại biểu đề nghị bỏ quy định này.
“Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đại biểu cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng”, ông Hòa nói.
Về tuyên bố vô hiệu của Tòa án, đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung: “Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của nhà nước, xã hội”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định văn bản vô hiệu được thực hiện theo Bộ Luật Hình sự thực tế đã áp dụng và không có vướng mắc và bất cập.
Quan tâm về mô hình văn phòng công chứng ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay có 4 mô hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
Trong đó, có 2 loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao.
“Việc dự thảo quy định văn phòng công chứng chỉ được hoạt động dưới mô hình công ty hợp danh có thể dựa trên những đặc điểm trên. Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định dự thảo Luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư”, bà Hà nói.
Theo đại biểu, dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên
Còn ĐBQH Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Theo đó, văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.
Về quy định này, hiện đang có 2 loại ý kiến: Tán thành và không tán thành. Ông Tuấn đồng tình với loại ý kiến thứ hai là nên cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ. Vì việc cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nhằm bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên.
"Chúng ta không nên vì những bất cập trong việc tổ chức văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân theo Luật Công chứng năm 2006 (như khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng…) mà loại bỏ mô hình này. Nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý, tổ chức thực hiện cần được giải quyết, khắc phục thông qua sửa đổi Luật lần này", ông Tuấn nêu.
Theo đại biểu, việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của Luật, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua (có văn phòng công chứng trên danh nghĩa có 2 công chứng viên, nhưng thực tế chỉ có 1 công chứng viên hoạt động thường xuyên).
Quan trọng hơn, nếu cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao nhưng không thể thiếu;
Để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, không phải đi xa hàng chục, hàng trăm km mới có thể tiếp cận được các dịch vụ công chứng, vừa khuyến khích, tạo thuận lợi cho công chứng viên hành nghề công chứng, đầu tư thành lập các văn phòng công chứng ở những nơi không có nhiều người đủ điều kiện hành nghề, hoặc có đủ điều kiện nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư vào ngành nghề công chứng ở những nơi khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự án Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: Ngoài loại hình công ty hợp danh thì loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng miền núi và khu vực khó khăn.
Tranh luận với các đại biểu về quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên, ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng tại các địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa chưa phát sinh nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự… nên việc văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên không khả thi mà chỉ cần một công chứng viên là đủ.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị có nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của quy định này tại các vùng có tính đặc thù về dân cư, mức độ phát triển để bổ sung cho phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định văn phòng công chứng có từ một công chứng viên trở lên.
Cũng tranh luận về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng mô hình công ty hợp danh không thành viên góp vốn là mô hình kém bền vững nhất trong tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
Đại biểu cũng cho rằng quy định “văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn” sẽ hạn chế quyền kinh doanh cá nhân. Đại biểu đề nghị bổ sung các loại hình của văn phòng công chứng là công ty hợp danh không có thành viên góp vốn, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty tư nhân. Quy định như vậy sẽ thúc đẩy được xã hội hóa công tác công chứng tốt hơn.
Phi Long/VOV.VN