Tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật

Chúng ta khuyến khích tự do, dân chủ, nhưng dân chủ phải có nguyên tắc của nó. Đó là tập trung dân chủ, đó là sự tự do trong khuôn khổ của pháp luật.

 

Mới đây, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới”. Theo bảng xếp hạng này, tự do báo chí Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để đưa ra chỉ số này, họ lại không đến Việt Nam. Họ tự phong cho mình quyền được phán xét, áp đặt tiêu chuẩn, định kiến của mình lên một quốc gia khác có chủ quyền.

Tự do báo chí có vai trò rất quan trọng giúp cho người dân có quyền tiếp cận thông tin chính xác, đa chiều. Tự do báo chí cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân. Vậy tự do báo chí cần được hiểu như thế nào? Có giới hạn nào trong việc bảo đảm và thực thi quyền tự do báo chí hay không?

Phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về nội dung này.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ảnh: Lao động

Theo ông, tự do báo chí cần được hiểu như thế nào? Có phải tự do báo chí là tự do, tuỳ ý mà không bị cấm đoán hay không?

Khi nói đến tự do báo chí hay là tự do ngôn luận, thế giới có tính phổ quát của nó. Nước nào cũng nói tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tự do có tính phổ quát nhưng mỗi nước, mỗi dân tộc lại có tính đặc thù. Ví dụ như ở Việt Nam, đầu thế kỷ thứ 20, nước ta đang bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta còn bị nô lệ. Lúc đó nhân dân ta hơn 80% mù chữ và hình như không có một tờ báo nào xuất bản thì làm sao mà nói tự do báo chí và tự do ngôn luận được. Đó là một điều hết sức vô lý.

Vì thế cho nên, khi hiểu tự do của một dân tộc, tự do của một đất nước phải gắn liền với lịch sử của dân tộc đó, của đất nước đó. Một đất nước có độc lập thì nhân dân mới có tự do. Nếu chưa có độc lập thì phải đấu tranh để giành được độc lập. Vì thế, cho nên nói tự do một cách chung chung thì điều đó không thể có nước nào có tự do báo chí một cách chung chung được.

Có ý kiến cho rằng, tự do báo chí là quyền tự do được biểu đạt, bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình lên báo chí mà không ai có quyền được ngăn cấm. Ông có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

Trong những cuộc họp, trong sinh hoạt của một đoàn thể, một tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, thậm chí tổ chức phi chính phủ, chúng ta cũng kêu gọi tự do phát biểu chính kiến của mình. Nhưng tự do phải nằm trong khuôn khổ, mà ta gọi đó là phải theo pháp luật.

Hiện nay, đất nước ta có rất nhiều cơ quan báo và tạp chí, có cả các trang thông tin điện tử. Có thể nói là tổ chức nào cũng đều có một tờ báo. Nhưng tất cả các cơ quan đó đều phát ngôn trên cơ sở mục đích tôn chỉ của cơ quan mình.

Khuyến khích tự do, dân chủ, nhưng dân chủ phải có nguyên tắc của nó. Đó là tập trung dân chủ, đó là sự tự do trong khuôn khổ của pháp luật.

Ở nước ta, báo chí đã bám sát thực tiễn cuộc sống và bảo vệ cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, có những đối tượng lại luôn tung hô, ca ngợi chỉ có ở các nước tư bản mới có tự do báo chí không giới hạn. Ông có bình luận gì thêm về vấn đề này?

Nói là tư bản có báo chí tự do, điều đó không đúng. Anh nói cái gì tự do cũng được nhưng không thể đụng đến chính phủ được, nói đụng đến chính phủ, vi phạm đến luật pháp thì có thể ngay tức khắc bị đình bản ngay. Thậm chí xưa kia có những bài báo lên khuôn rồi nhưng chính phủ ra lệnh cấm bài này, nên để bỏ trắng cả trang báo đó. Có nghĩa là họ kiểm soát rất chặt chẽ. Bởi vì đụng đến quyền lợi của chính phủ.

Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta, một số nhà báo phương Tây, họ đưa về cuộc phản chiến của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam và đưa hành động vô nhân đạo của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Các nhà báo đó bị chính phủ Mỹ cấm đoán ngay.

Hay như chuyện tác nghiệp ở Iraq chẳng hạn, rút kinh nghiệm cuộc chiến tranh Việt Nam là Chính phủ Mỹ không cho các nhà báo đi và không được phép đưa tin về quân đội Mỹ ở Iraq. Vì thế cho nên nói rằng báo chí không phục vụ một chính đảng nào, không phục vụ một tổ chức nào thì điều đó là không tưởng.

Tại đất nước Hồi giáo Iran, xúc phạm đến nhà vua sẽ bị phạt khoảng 20.000 USD, phạt tù thậm chí tử hình. Các quốc gia gần đây nhất của Việt Nam cũng thế, ví dụ như Thái Lan, báo chí “đụng” đến nhà vua sẽ bị phạt từ 10 đến 15 năm tù.

 

Ở nhiều nước phương Tây, về lý thuyết, bất kỳ ai cũng có quyền ra báo, tức là được quyền ra báo tư nhân nhưng phải đóng thuế và chịu sự chi phối kiểm soát của chính phủ… Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể thực hiện được điều đó, vì chỉ những người có tiền mới đáp ứng được các tiêu chí để ra báo tư nhân. Cũng vin vào lý do này mà nhiều người cho rằng, Việt Nam không có tự do báo chí vì không có báo chí tư nhân. Chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào thưa ông?

Về báo chí tư nhân, khi tôi đang ở Bộ Văn hoá - Thông tin, tôi đi công tác bên Thụy Điển, họ nói là vì sao Việt Nam không có báo chí tư nhân? Tôi nói, ở Việt Nam, đoàn thể nào cũng có báo hết. Ngay cả thiếu niên, nhi đồng cũng có 4 - 5 tờ báo. Bất cứ hội, đoàn thể nào cũng đều có báo chí, tỉnh nào, cơ quan nào, bộ nào cũng đều có báo chí. Mà mọi người dân đều ở trong tổ chức đó, thì họ có quyền nói nguyện vọng của mình lên báo chí. Như vậy, cần phải có tổ chức báo tư nhân làm gì nữa?

Ngay như thiếu niên là có báo Tiền phong, rồi báo Khăn quàng đỏ, ở thành phố Hồ Chí Minh còn có báo Mực tím. Một đoàn thể như vậy, nhưng cũng có đến 3 - 4 tờ báo. Và có nhiều cơ quan, nhiều đoàn thể đã có báo in, tạp chí rồi, xong lại còn có báo mạng nữa. Như vậy, không cần phải có tư nhân làm báo làm gì cả.

Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Tại Việt Nam từng có báo chí tư nhân nhưng qua thực tiễn lịch sử, các tờ báo của tư nhân đều tự nó phải giải thể, tự nó phải tiêu vong. Một thời gian rất dài, ngay sau khi Việt Nam giành độc lập là 4 năm, có rất nhiều tờ báo tư nhân. Việt Nam cũng từng có tới 25 - 27 Đảng đứng ra tranh đoạt vũ đài lịch sử với Đảng Cộng sản Việt Nam và mỗi một đảng đều có tờ báo tư nhân. Lịch sử đã đào thải những đảng kia, còn duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên vấn đề tự do gắn với báo chí tư nhân cũng chỉ là sự phù hợp quốc gia dân tộc cụ thể mà thôi. Còn đối với Việt Nam chúng ta không có nhu cầu đó.

 

Việc một số quốc gia, tổ chức yêu cầu chúng ta phải trả tự do cho các đối tượng như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Thị Đoan Trang… Đây là những đối tượng đã có những hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam và đã bị xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Ông nghĩ sao về đòi hỏi của họ?

Một số người ở cách ta cả đến hàng nghìn cây số không hiểu thực tế của Việt Nam, không hiểu người đó như thế nào mà cứ phong cho họ như thế này, thế kia thì rõ ràng đấy là họ kích động. Một số nhà báo không đủ tỉnh táo, không đủ bản lĩnh chính trị, trước những lời đường mật đó thì rất dễ bị kích động và họ không xứng đáng là nhà báo.

Luật là một vấn đề nhưng còn nhà báo phải có đạo đức nữa, đạo đức của một nhà báo. Bác Hồ đã nói, viết cái gì, viết cho ai, chứ không phải là cứ viết cho một nhóm người mà luôn luôn phản đối chế độ ta. Một nhóm người từ đâu xa, không hiểu về thực tế của đất nước ta, cứ cho rằng đấy là những nhà báo này, nhà báo kia thì đó một điều hết sức không đúng. Và đòi hỏi thả người này ra, thả người kia ra bởi vì họ cho rằng đấy là vì lý do về mặt chính trị, về chính kiến thì không phải. Tự do ngôn luận nhưng mà anh đi không đúng tự do ngôn luận của Luật Báo chí thì pháp luật xử lý thôi. Tôi nghĩ cái chuyện đó là một vấn đề hết sức là công bằng.

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, Phạm Thị Đoan Trang là người được đào tạo cơ bản, được học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, Phạm Thị Đoan Trang đã không sử dụng kiến thức của mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Trong thời gian học từ nước ngoài về, Phạm Thị Đoan Trang đã trở thành thành viên cốt cán của nhóm The Voice và cũng là một trong những người đứng đầu của tổ chức Nhà xuất bản Tự do. Trang được giao nhiệm vụ phụ trách nhân sự, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo, cách thức chống phá chính quyền nhân dân. Ngày 14/12/2021, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Cáo trạng đã khẳng định rằng, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm, tàng trữ, lưu hành và tán phát các tài liệu, vật phẩm có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đoan Trang 9 năm tù./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận