Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Trình bày bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, báo cáo của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước;
Các ý kiến góp ý cụ thể chủ yếu liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính không nghiêm; nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN cần chấn chỉnh, sớm khắc phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội và thể hiện tại Báo cáo số 882/BC-UBTVQH15 ngày 24/6/2024.
Về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, đã chỉ đạo thể hiện kết quả đạt được và các tồn tại hạn chế tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
Về ý kiến Chính phủ tiếp tục chậm gửi tài liệu quyết toán NSNN năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác quyết toán NSNN tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật NSNN hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NSNN và các Luật có liên quan để sớm thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội. Các yêu cầu này đã được thể hiện tại các điểm a, h khoản 2 và khoản 7 Điều 4 dự thảo Nghị quyết”, ông Mạnh nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của đại biểu Quốc hội về thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2022 thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên NSTW năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021.
Đồng thời chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán NSNN năm 2022 đầy đủ số tăng thu NSNN, phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu NSTW để bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật NSNN.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ sung 3.102 tỷ đồng số tăng thu vào dự toán thu NSNN năm 2022 để thực hiện đúng quy định của Luật NSNN.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm trong việc tổng hợp thông tin, số liệu quyết toán thu, chi NSNN năm 2022 chênh lệch lớn so với thông tin, số liệu đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chưa kịp thời báo cáo để phê chuẩn bổ sung dự toán số tăng thu và phương án, phân bổ số tăng thu NSTW năm 2022 theo đúng quy định, không để lặp lại tình trạng thường xuyên cập nhật, điều chỉnh số liệu sau thời gian chỉnh lý quyết toán như hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu nêu rõ tồn tại, hạn chế như ý kiến đại biểu nêu tại Điều 2 và các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tại các điểm a, h khoản 2 và khoản 6 Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
Về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 số tăng thu NSNN tại dự thảo Nghị quyết đối với số tăng thu NSNN chưa được phê chuẩn bổ sung tại Nghị quyết số 40 và Điều chỉnh tên Nghị quyết thành Nghị quyết Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo đó, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.713.787 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2021, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.897.466 tỷ đồng. bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023.
Bội chi ngân sách nhà nước là 293.313 tỷ, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 488.406 tỷ đồng.
Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,25%), Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Phi Long/VOV.VN