Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 24/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cân nhắc hành vi mới phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hành vi mua bán người, đó là mua bán thai nhi trong bụng mẹ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc.
Nữ đại biểu cho biết, hành vi này bắt đầu diễn ra từ khi mang thai đến thời điểm trẻ chưa chào đời nên hậu quả chưa xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Bởi, pháp luật hình sự chưa coi thai nhi là đối tượng của hành vi phạm tội mua bán người nên cơ quan chức năng chưa có căn cứ pháp lý xử lý hành vi mua bán thai nhi.
“Theo tôi, dưới góc độ pháp luật, hành vi bà mẹ có thai rồi bán cũng là hành vi mua bán người và có dấu hiệu phạm tội mua bán người” - bà Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm và đề nghị cân nhắc xem xét có giải pháp phù hợp với hành vi mua bán thai nhi.
Bên cạnh đó, hiện nay, các đối tượng mua bán người được che giấu bởi hình thức tinh vi, phức tạp như tham quan, ký kết hợp đồng kinh tế, kết hôn qua môi giới, nhận con nuôi... thông qua đối tượng là pháp nhân thương mại. Do đó, đại biểu cho rằng, cần xem xét bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội mua bán người để kịp thời điều chỉnh, phù hợp tình hình thực tiễn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhận định, hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, hành vi trên chưa được quy định trong pháp luật để điều chỉnh, do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp mua bán thai nhi.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, theo công ước quốc tế, trẻ em bao gồm cả thai nhi, cần được bảo vệ ngay trong bụng mẹ. Hành vi mua bán thai nhi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền trẻ em, đòi hỏi các quốc gia thành viên có công cụ pháp lý cụ thể để bảo vệ.
“Thai nhi cần được bảo vệ như con người với đầy đủ quyền cơ bản. Hành vi mua bán thai nhi là xúc phạm phẩm giá con người. Việc bổ sung quy định sẽ thể hiện sự tôn trọng quyền lợi thai nhi. Không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở, gây hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Bổ sung quy định giúp ngăn chặn từ xa hành vi vô đạo đức, bảo vệ an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai” - ông Thạch Phước Bình nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình.
Ông cũng lưu ý hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, phức tạp, nhất là trường hợp liên quan đường dây tội phạm có tổ chức. Do đó, việc bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý xử lý triệt để các vụ việc có liên quan.
Ngoài ra, đại biểu phân tích, bảo vệ thai nhi cũng góp phần bảo vệ bà mẹ mang thai bị cưỡng bức bán con mình vì nhiều lý do; giúp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của bà mẹ mang thai, ngăn chặn hành vi ép buộc, lừa gạt.
Việc điều tra, truy tố hành vi mua bán thai nhi gặp nhiều thách thức nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, cụ thể, rõ ràng, khả thi để cơ quan chức năng thực thi hiệu quả và nghiêm minh.
“Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung hành vi mua bán thai nhi vào phạm vi điều chỉnh của luật, giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn, tăng cường bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai. Cần điều khoản riêng biệt với chế tài, biện pháp để giúp cơ quan chức năng thực thi, áp dụng và tạo sự răn đe” - ông Thạch Phước Bình nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm thiểu hành vi vi phạm.
Ngọc Thành/VOV.VN