Nhiều băn khoăn về vốn và lo trung tâm văn hóa tại nước ngoài 'chết yểu'

Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Các đại biểu cho rằng, cần rà soát thận trọng trong việc đầu tư cho chương trình này.

 

Băn khoăn về tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng

Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tổng mức 256.000 tỷ đồng trong chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Đại biểu Lê Thị Song An - Long An:

Tờ trình của Chính phủ có đề xuất tổng nguồn lực cho cả giai đoạn là 256.250 tỷ đồng, tôi cho rằng đây là con số rất lớn so với thực lực ngân sách, lớn hơn gấp 14 lần so với số chúng ta thực hiện trong giai đoạn 2011-2020; thứ hai, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn là chưa đầy đủ. Hiện nay, chúng ta chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất một con số như trên là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. Tờ trình có nêu dựa vào báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 2016, Hội đồng thẩm định nhà nước đã khẳng định “chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030”. Tiếp đó, tại Báo cáo số 624, Kiểm toán nhà nước cũng nêu rất rõ là “chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Bình Dương cho rằng, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư là 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương với gần 11 tỷ USD. Bình quân chi cho một chương trình là khoảng 1 tỷ USD/năm. Nếu tính trên tổng GDP 420 tỷ USD Việt Nam hiện nay, số chi 1 tỷ USD là khá lớn, nhưng vào giai đoạn 2035, GDP có thể 800-900 tỷ USD thì số chi 1 tỷ USD lại là nhỏ.

Còn đại biểu Lê Thị Song An - Long An lại cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ thì các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là 256.000 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, trong đó vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng. “Tôi thấy rằng nguồn vốn này khá cao, trong đó có nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội mà chương trình cũng chưa xác định rõ các danh mục, dự án cụ thể để kêu gọi xã hội hóa. Như vậy, nếu không ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia từ các nguồn lực của xã hội, tôi cho rằng chương trình cũng sẽ khó thực hiện và tiếp tục lặp lại những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia”, đại biểu Lê Thị Song An nhấn mạnh.

Phân tích sâu về vấn đề vốn của chương trình, đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai nêu quan điểm: “Tôi cho rằng đây là chương trình có vốn rất lớn, nó chỉ sau chương trình tổng thể về Nghị quyết 43 thôi. Cho nên, chúng ta quyết định nguồn vốn phải hết sức phù hợp và phải có trách nhiệm với từng đồng tiền bỏ ra”.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai

Đại biểu An cho rằng, việc xây dựng cơ sở tổng mức vốn cho cả 2 giai đoạn vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn bởi để quyết định số vốn này căn cứ vào đâu và phải được làm rõ. So với các chương trình mà chúng ta triển khai trước đây về văn hóa của giai đoạn trước thì chỗ này lớn hơn rất nhiều, lớn hơn hàng chục lần, chúng ta phải làm rõ vấn đề này. “Một nội dung nữa là trong phần 50.000 tỷ đồng của giai đoạn 2026-2030 của vốn Trung ương thì hiện nay chúng ta chưa có cơ sở. Trong phụ lục số 9 về các danh mục thì không rõ ràng để chúng ta quyết định 50.000 tỷ đồng này, nó căn cứ vào đâu để chi thì rất khó. Cho nên, tôi đề nghị phải làm rõ vấn đề này”, Đại biểu An nói.

Lo trung tâm văn hóa tại nước ngoài “chết yểu” hoặc sống ngắc ngoải

Ngoài vấn đề vốn thì đề xuất thành lập trung tâm văn hóa tại nước ngoài cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của các đại biểu.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - TP Hà Nội cho rằng, về thành lập trung tâm văn hóa tại nước ngoài, bên cạnh Luật Đầu tư công chưa cho phép thì vấn đề quan trọng là hiệu quả thực tế. Nếu như trung tâm này mang đến hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và đem lại hiệu quả kinh tế thì việc đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, tờ trình chưa chứng minh được điều này, chưa làm rõ hiệu quả, chưa phân tích được kết quả đầu ra. Đặc biệt, việc đầu tư ra nước ngoài rất tốn kém, từ nguồn lực phân bổ cho con người đến trụ sở duy trì hoạt động. Đặc biệt, chương trình MTQG có thời hạn. Sau khi kết thúc thời hạn thì nguồn lực từ đâu để duy trì hàng loạt các trung tâm như thế này là điều cần cân nhắc.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Hưng Yên:

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương chiếm vai trò chủ đạo. Trong bối cảnh hiện nay, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư vốn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên thực hiện và tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện và gây lãng phí. Ngoài ra, đối với từng nội dung, chương trình thuộc thành phần chưa xác định được tổng vốn đầu tư theo nguồn và dự kiến từng năm. Đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn dự kiến nguồn kinh phí đối với từng dự án thành phần, trong đó bao gồm nguồn kinh phí trung ương, nguồn kinh phí địa phương và nguồn huy động trên cơ sở phân định rõ nhiệm vụ giữa Trung ương và địa phương để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ và bố trí nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Bình Định nói, về đề xuất có chỉ tiêu xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Ý tưởng này là hay, nhưng không mới. Tôi rất lo lắng việc duy trì phát triển có hiệu quả hay không, vì đầu tư xây dựng một trung tâm ở nước ngoài, đặc biệt ở nước phát triển rất tốn kém, lấy đâu ra người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này. Nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn, có chiều sâu. Nếu theo cách làm cũ, chúng ta có thể có những Trung tâm Văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân nhưng rồi cũng sẽ “chết yểu” hoặc sống ngắc ngoải như một số trung tâm hiện nay. Nên chăng chúng ta hỗ trợ các hội đoàn người Việt và nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ tại các nước, họ tự trang trải kinh phí bằng các dịch vụ, như nhà hàng, ẩm thực, cà phê, siêu thị, hàng hóa.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Bình Định

Nêu quan điểm về việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Lê Thị Song An - Long An cho rằng, việc đầu tư này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần phải có lộ trình phù hợp, vì hiện nay trong nước vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng, hoàn thiện.

Đại biểu Khang Thị Mào - Yên Bái:

Về đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài, tôi thống nhất với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết phải nghiên cứu, đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại các quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sâu rộng, trong đó việc giao lưu văn hóa được xác định là một trong các trụ cột của quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng nội dung phạm vi, quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp khả thi và hiệu quả.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận