Báo chí góp phần lộ sáng 'một bộ phận không nhỏ'

Có hàng chục nghìn tin, bài phản ánh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phản ánh.

 

Có hàng chục nghìn tin, bài phản ánh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phản ánh. Những con số cụ thể cho thấy, khi Đảng ta khởi xướng “chống giặc nội xâm”, báo chí đã tham gia tích cực tuyên truyền, phản ánh, tạo sự đồng thuận, lan toả thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến mọi tầng lớp nhân dân; góp phần lộ sáng “một bộ phận không nhỏ” để xử lý nghiêm những đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Làm sáng tỏ nhiều vụ án lớn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khoá XI đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi…”. Thực trạng này làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Trong những ngày cuối cùng của tháng 7/2017, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong nói một cách hình ảnh: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy…”. Thời điểm đó không phải không có người bán tín bán nghi khi mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hoá biến chất” vẫn cơ bản nằm ngoài vòng ảnh hưởng Nghị quyết Trung ương 4. “Củi” mà Tổng Bí thư nói chính là những cán bộ nằm trong “bộ phận không nhỏ”, không dễ gì chỉ mặt, gọi tên. Vậy mà những năm qua, “lò lửa chống tham nhũng” đã cháy sáng liên tục…

Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta lại diễn ra quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, sự đồng thuận, hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội đến vậy. Hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử công khai, thuyết phục với nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng, nguyên tướng lĩnh quân đội, công an đã phải nhận tội trước toà, xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lấy lại niềm tin của nhân dân. Sự quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng báo chí đã góp phần đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban tổ chức Trung ương

Đã có nhiệu vụ việc sai phạm, sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu của tham nhũng, lợi ích nhóm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý được báo chí phát hiện.

Điển hình là vụ án Trịnh Xuân Thanh. Năm 2016, nhiều cơ quan báo chí như báo Nhân dân, Vietnamnet… có bài phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh đi xe riêng nhưng lại gắn biển số xanh và những “di hại” mà ông này để lại là khoản thua lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Từ bài phản ánh của báo Thanh niên: “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang”, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản gửi các cơ quan chức yêu cầu làm rõ, kết luận thông tin mà báo Thanh niên đã phản ánh.

Hay như báo Tuổi trẻ phát hiện và có bài phản ánh liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong quản lý kinh tế của cán bộ, đảng viên, qua bài viết “Ai để Sabeco “bán” rẻ đất vàng ngàn tỉ?”, đăng ngày 2/7/2018.

Tiếp đó, báo chí cũng phản ánh những sai phạm về đầu tư công xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; các vụ việc liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, như vụ việc bổ nhiệm Phó Vụ trưởng 26 tuổi tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ… Gần đây nhất, báo chí phản ánh những sai phạm trong lĩnh vực y tế, như nâng khống giá thiết bị, vật tư; vụ nâng giá kit test Covid-19 ở Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị, doanh nghiệp; vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC; vụ án Tân Hoàng Minh; vụ án Vạn Thịnh Phát…

Theo thống kê, tính từ năm 2016 đến nay đã có hàng chục nghìn tin, bài phản ánh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phản ánh. Những vụ việc và những con số cụ thể cho thấy, khi Đảng ta khởi xướng “chống giặc nội xâm”, báo chí đã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh, tạo sự đồng thuận, lan toả thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến mọi tầng lớp nhân dân.

Theo Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, 3 năm gần đây, báo chí đã bám rất sát chủ trương, đường lối, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bám sát chủ trương, quan điểm, phương châm, nguyên tắc của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cũng bám sát thực tiễn từ cơ sở, từ các cơ quan trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như kiểm toán, tài chính…, bám sát tiếng nói của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp… nên đưa tin sát, kịp thời, nhiều bài mang tính điều tra, đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Báo chí đã góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ án lớn, một số cán bộ ở cấp cao thoái hóa biến chất. Có thể kể ra đây những vụ việc như 12 đại dự án ở Bộ Công Thương, vụ AIC, vụ Vạn Thịnh Phát… Đồng thời báo chí cũng góp phần xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng ta: "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban tổ chức Trung ương khẳng định, báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới nói chung, đặc biệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm vừa qua, nhất là từ khi kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều tình tiết bất ngờ, nhiều vụ án đã được các cơ quan báo chí phanh phui, cung cấp thông tin cho độc giả.

Tiến sĩ Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, thực tiễn những năm qua, báo chí luôn luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí phát hiện, giám sát và đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án tham nhũng, tiêu cực, được đưa ra xét xử. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời...

Báo chí cần thực hiện quan điểm xây và chống

Trên mặt trận thông tin, các cơ quan báo chí không chỉ phản ánh những vụ việc tiêu cực mà tích cực tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là lực lượng xung kích quan trọng trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”...

Tiến sĩ Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, theo Tiến sĩ Đào Duy Quát, báo chí cần thực hiện quan điểm hài hòa giữa xây và chống, hài hòa giữa phát triển đất nước và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần nhân rộng thông tin điển hình, nhân tố mới trong phát triển kinh tế - xã hội,  văn hóa, đưa nhiều hơn, tỷ trọng lớn hơn, có sức thuyết phục hơn. Cần nêu gương cán bộ, doanh nhân điển hình đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa để cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện. Phải nhanh chóng, kịp thời đập tan những luận điệu lợi dụng việc phát hiện, minh bạch thông tin về các vụ đại án kinh tế để xuyên tạc sự phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Đào Duy Quát cũng cho rằng, cần tổng kết kịp thời từng vụ việc để tìm thấy nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chủ yếu cũng như nguyên nhân trực tiếp tạo ra những vụ việc này, để những vụ việc này kéo dài rất lâu mới xét xử được. Thông qua việc tìm hiểu nguyên nhân, báo chí có thể tham vấn các cơ quan chức năng, các chuyên gia để đề xuất giải pháp khắc phục. Cần phân tích rõ các nguyên nhân để không xảy ra tình trạng cán bộ có biểu hiện hoang mang, né tránh. Luật, cơ chế, chính sách còn nhiều chồng chéo khiến cho cán bộ khó làm việc và không dám quyết. Do đó các vụ án cần được thông tin kỹ hơn, công tác tư tưởng cần được làm hiệu quả để khắc phục tình trạng lo sợ, e ngại chung chung.

Còn theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, báo chí cần kịp thời biểu dương, cổ vũ các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí; tạo diễn đàn tranh luận công khai, phát hiện những bất cập, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội có cơ sở điều chỉnh chủ trương, chính sách phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tiến sĩ Trần Bá Dung cũng phân tích, theo quy định pháp luật, cụ thể Luật Báo chí là văn bản pháp luật cao nhất quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong đời sống xã hội, trong đó việc “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (Điều 4 khoản d) là nhiệm vụ của báo chí đã được luật hóa.

Cùng với đó, báo chí là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và  nhân dân đối với việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chia sẻ những khó khăn, nguy hiểm với các phóng viên, nhà báo, TS Nguyễn Đức Hà cho rằng, đấu tranh chống tiêu cực là rất nguy hiểm, có trường hợp phóng viên bị thế lực xã hội đen, các thế lực liên kết với nhau đe doạ sức khoẻ, tính mạng.

Ông Phạm Quốc Huy - Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Bá Dung cho rằng, khó khăn đối với báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều thông tin được coi là mật, nên báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Thậm chí, người cung cấp thông tin cũng không đảm bảo an toàn cho báo chí. Vì vậy, đã có tình trạng nhà báo viết về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lấy tin chính thống, minh bạch, nhưng lại bị xử lý theo pháp luật vì nhiều lý do khác nhau… Còn thiếu trách nhiệm giải trình một cách minh bạch ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước bị báo  chí phát hiện tham nhũng. Nhà báo viết về lĩnh vực này là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ thiếu chặt chẽ. Ngay cả nguồn tin cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn.

Viết bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó khăn, vất vả là vậy song những người làm bảo luôn luôn cảm thấy tự hào khi đóng góp công sức của mình để cùng các lực lượng chức năng, cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ”, xử lý nghiêm minh các đối tượng này trước pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận