Trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta có bước trưởng thành về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật.
Từ thực tế nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam, liệu có dẫn tới đến tình trạng thiếu cán bộ để làm việc? Cần làm gì để có được đội ngũ cán bộ trong sạch, góp phần vào sự phát triển của đất nước? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II về nội dung này.
PV: Trong những năm qua, đặc biệt vài năm trở lại đây, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực, cố gắng chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ các cấp, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Đó là sự thật không cường điệu, đất nước đang thực sự thay đổi. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay khoảng 4.300 USD/người; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%.
Kết quả đó cho thấy nhân dân ta ngày càng ấm no hơn, cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông… đang ngày càng khởi sắc; quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế ngày càng tuyệt vời, hiện nay 193/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc đều đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam; chúng ta làm ăn với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đó là những con số rất quan trọng, khẳng định thế và lực của đất nước ngày càng phát triển. Kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng ta, sự cống hiến của nhân dân và rất nhiều thế hệ, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Đó là thành tựu không thể chối cãi được.
PV: Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những cán bộ mắc sai phạm, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã tác động như thế nào đến việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Lênin đã cảnh báo những người cộng sản: Sau khi Đảng cầm quyền, có thể xuất hiện 2 nguy cơ làm mất chế độ, một là sai lầm về đường lối, hai là quan liêu, xa rời thực tế cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống cũng đã cảm nhận được điều đó, nên Bác đã kiên quyết xem tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và hành động thực tiễn để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng để tiêu diệt tham ô, lãng phí, quan liêu mà ngày nay gọi là tham nhũng, tiêu cực, vì đó căn bệnh dẫn tới nguy cơ sụp đổ chế độ.
Thực tế vừa qua, với tư tưởng như vậy, chúng ta kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây là chủ trương lớn, là xu thế tất yếu không thể đảo ngược.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã phát hiện nhiều cán bộ lãnh đạo ở các cấp, kể cả cấp cao mắc sai phạm. Và chính cuộc đấu tranh đó sẽ làm cho Đảng ta ngày càng tốt hơn, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, đất nước ngày càng trường tồn và phát triển hơn.
PV: Liệu rằng, với số lượng nhiều cán bộ bị kỷ luật có gây ra tình trạng thiếu cán bộ làm việc không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của riêng ai, mà quần chúng thì “mênh mông”. Bác Hồ cũng đã nói, Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Và trong Điều lệ Đảng nói rằng, Đảng ta phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc. Đất nước 100 triệu dân không lẽ không có người để làm việc tốt?
Mục tiêu cuối cùng của Đảng ta cũng chính là nhân dân. Nhân dân là người cung cấp lực lượng cho Đảng. Với quan điểm như vậy, chúng ta tin tưởng rằng, sắp tới sẽ có nhiều nhân tố mới xuất hiện.
Hơn nữa, trong thực tế, hiện nay có hơn 5 triệu đảng viên và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cũng rất nhiều, phần lớn là những người tốt. Một bộ phận có thể không nhỏ đã tham ô, thoái hóa biến chất thì cần phải lọc ra khỏi hệ thống chính trị để những người bản lĩnh hơn, đạo đức hơn, tốt hơn có điều kiện phát triển.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho Đảng ngày càng trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn, đó là cơ hội để những người tốt xuất hiện và phát triển.
PV: Đã có nhiều bài học về công tác cán bộ, hơn nữa quy trình, quy định trong công tá cán bộ rất chặt chẽ nhưng vì sao vẫn lọt những người cơ hội, tham vọng quyền lực, phẩm chất đạo đức kém, trình độ năng lực hạn chế vào đội ngũ lãnh đạo?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Con người chỉ bị tác động bởi điều kiện xã hội nhất định. Điều kiện xã hội ngày nay là nền kinh tế thị trường và đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, liệu anh có giữ được lập trường, lý tưởng của mình? Đó là thách thức rất lớn. Nhiều thách thức hiện nay rất ghê gớm, nếu cán bộ không đủ bản lĩnh, không đủ đạo đức thì sa ngã ngay.
Những cán bộ vừa qua sa ngã là những người mà phẩm chất đạo đức của họ không được trọn vẹn, nên cần đưa họ ra khỏi hệ thống chính trị để người khác có cơ hội làm việc. Đó là một sự sàng lọc cần thiết của công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, có thể trong công tác lựa chọn cán bộ vừa qua, ở nơi này hay nơi khác, có lúc chúng ta nể nang, xuê xoa, để những người không tốt lọt vào hệ thống chính trị. Mặc dù đã có những quy trình, quy chế, nhưng do cách thức, do nhận thức của cấp ủy ở các đơn vị và tập thể lãnh đạo ở đó không mạnh, tự phê bình và phê bình không tốt nên đã để lọt những thành phần không tốt vào bộ máy.
Chúng ta tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho hệ thống chính trị ngày càng trong sạch hơn, Đảng ta ngày càng tốt hơn. Đó cũng là mong mỏi, là yêu cầu của nhân dân.
PV: Theo ông, khi quy hoạch cán bộ cần những kênh thông tin nào để phát hiện những cán bộ yếu kém?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Tổng Bí thư cũng đã nói, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, "đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài nó che đậy cái sơ sài bên trong". Vì vậy, cần nhiều phương pháp để tiếp cận, đánh giá một con người.
Thứ nhất là thủ trưởng đơn vị phải có ý kiến về cán bộ, nhưng đó chỉ là một kênh chứ không phải là kênh duy nhất. Thứ hai, cán bộ ấy phải trưởng thành từ phong trào, từ thực tế thực hiện nhiệm vụ.
Có nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau để đánh giá về cán bộ. Biểu hiện của cán bộ thế nào, có giàu bất thường không, khi có chức vụ thì anh có thể hiện kiểu này, kiểu kia hay không? Tôi nghĩ rằng, nhân dân và đồng chí, đồng đội sẽ nhìn thấy các biểu hiện này.
Do vậy, cần phát huy từ nhiều ý kiến khác nhau, từ nhân dân, đơn vị, tập thể lãnh đạo, từ nhận xét của cấp trên và cấp trên của cấp trên nữa để đánh giá cán bộ.
Ngược lại, cán bộ cần thể hiện qua: Hiệu quả công tác có tốt không; mối quan hệ với đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới, với gia đình; cán bộ có tận tâm với công việc không, có phấn đấu để rèn luyện, phát triển không?
PV: Xin cảm ơn ông!
PV/VOV1