Chủ trì phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương là thành viên của Ban Chỉ đạo.
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Bộ Chính trị đã quyết định kiện toàn, bổ sung các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo; Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị quyết định bổ sung các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm thành viên Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại Phiên họp thứ ba cho biết, Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất, công bố các quyết định; Thảo luận để thống nhất Chương trình công tác, quan điểm và phương pháp tổng kết, nội dung và phạm vi tổng kết; Thảo luận, góp ý kiến cụ thể hóa Đề cương Báo cáo tổng kết, Phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Thống nhất về lề lối làm việc.
Phiên họp thứ hai được tổ chức vào ngày 15/4/2024, cho ý kiến vào Dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết. Ngoài hai cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Tổ Biên tập và các thành viên Tổ Biên tập, các Nhóm tổng kết đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, cho ý kiến vào từng nội dung công việc cụ thể để đảm bảo tốt nhất tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ tổng kết theo Kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo ban hành.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu nhiều ý kiến, trong đó khẳng định những kết quả công việc tích cực đã triển khai trong thời gian qua, đồng thời tập trung thảo luận, đề xuất, góp ý những công việc trọng tâm cần thực hiện tốt trong thời gian tới....
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, sáng tạo và có hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ Biên tập, Tiểu ban giúp việc, các bộ phận của cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương với trách nhiệm là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan đảm bảo và hỗ trợ rất tích cực cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao và hoan nghênh các ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố được lựa chọn tham gia tổng kết trong thời gian ngắn đã tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo kịp thời, có chất lượng; tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết hoàn thành tốt các cuộc nghiên cứu, khảo sát thực tế.
Chủ tịch nước nêu rõ, Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam là một công việc rất hệ trọng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch nước, việc tổng kết giúp chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, góp phần hoàn thiện về đường lối đổi mới, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho Đảng hoạch định đường lối, chủ trương đúng đắn, bảo đảm thắng lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; trước mắt là phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ của công tác tổng kết 40 năm đổi mới, Chủ tịch nước đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, bám sát các quan điểm và nội dung của Cương lĩnh chính trị của Đảng, tuân thủ những quy định của Hiến pháp.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng phù hợp, sáng tạo những thành tựu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia tiên tiến và những quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam vào việc phát triển, hoàn thiện lý luận về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa kết quả các lần tổng kết 20 năm, 30 năm đổi mới, tổng kết quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội; bám sát các nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, nhất là các kỳ đại hội gần đây và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XII, XIII; bám sát tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Tổng kết tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 vừa qua và trong các sách, bài viết, bài nói gần đây, nhất là bài viết nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024): “Tự hào và tin tưởng dưới là cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
Theo Chủ tịch nước, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục huy động sự tham gia, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ lãnh đạo quản lý có nhiều kinh nghiệm, các tầng lớp nhân dân trong cả nước vào công tác tổng kết, nhất là sự tham gia góp ý kiến, bản thảo về các kinh nghiệm, đề xuất những vấn đề, sáng kiến có ý nghĩa tích cực, phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", đây chính là kết quả của 40 năm đổi mới đã qua, trong đó rất quan trọng là 10 năm trở lại đây.
Nguyên nhân quyết định để đạt được kết quả này là do Đảng ta luôn luôn phát triển nhận thức, tư duy lý luận, đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội trên cơ sở bám sát thực tiễn, trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, trong nội dung của dự thảo báo cáo tổng kết, tôi đề nghị căn cứ vào kết quả tổng kết của 8 nội dung; Đề cương cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của Bộ Chính trị của Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, để đánh giá được khái quát, chính xác, đầy đủ hơn nữa về: Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến quá trình 40 năm đổi mới”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc tổng kết 40 năm đổi mới tiến hành đồng thời với quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, vì thế nhiều cơ quan, nhiều đồng chí trong cùng một thời gian phải gánh vác nhiều công việc quan trọng, nặng nề.
Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí trong Ban Chi đạo Tổng kết, Hội đồng Lý luận Trung ương- Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng kết và các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm tham gia các công việc tổng kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, có sự cân đối, bố trí thời gian hợp lý, khoa học, tham gia đầy đủ và có chất lượng, hoàn thành tốt công việc được giao theo đúng tiến độ kế hoạch và đúng yêu cầu chất lượng, để góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Tổng kết 40 năm đổi mới.
Việt Cường/VOV